Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2014 xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 do tỉnh Đồng Tháp ban hành
Số hiệu | 06/CT-UBND |
Ngày ban hành | 27/06/2014 |
Ngày có hiệu lực | 27/06/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đồng Tháp |
Người ký | Lê Minh Hoan |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND |
Đồng Tháp, ngày 27 tháng 6 năm 2014 |
VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2015
Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung chủ yếu như sau:
I. Yêu cầu xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2015
1. Đánh giá tình hình thực hiện chương trình hành động, các nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển, dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, chương trình trọng điểm năm 2014, mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2014. Phân tích làm rõ các nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém để có biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, cần đánh giá, phân tích các tác động ảnh hưởng của các diễn biến ở Biển Đông đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.
2. Xác định mục tiêu và nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 căn cứ vào mục tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, khóa VII; kết quả thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước, Kế hoạch đầu tư năm 2014 và dự báo tình hình trong nước, quốc tế trong thời gian tới, dự báo tác động của các diễn biến ở biển Đông ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khả năng cân đối nguồn lực, thực hiện của địa phương, các cấp, các ngành xem xét, lựa chọn mục tiêu tăng trưởng của ngành, đơn vị mình trên tinh thần phấn đấu cao nhất nhằm đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế hợp lý và bền vững của toàn tỉnh.
3. Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 phải bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp.
4. Bảo đảm tính công khai, minh bạch và công bằng trong xây dựng kế hoạch và phân bổ nguồn lực.
II. Nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015
1. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển kinh tế cả về chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và đời sống của người dân. Tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế tránh sự phụ thuộc vào một hay một số thị trường.
2. Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp đến năm 2020 gắn với chương trình dựng nông thôn mới. Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, những cánh đồng mẫu lớn để đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và gắn kết với thị trường; tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư mạnh vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; chủ động đáp ứng đủ giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Xây dựng các phương án chủ động phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả.
3. Thực hiện tái cơ cấu công nghiệp, tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh; thúc đẩy phát triển công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm nhằm đảm bảo cho ngành duy trì mức tăng trưởng cao, ổn định và bền vững. Khuyến khích đầu tư chiều sâu, đổi mới máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý và sản xuất, kinh doanh, xử lý ô nhiễm môi trường; kêu gọi đầu tư một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo kế hoạch. Chú trọng phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn, các làng nghề truyền thống có khả năng thu hút nhiều lao động.
4. Phát triển thương mại - dịch vụ đa dạng, với chất lượng các hoạt động dịch vụ ngày càng nâng cao, đặc biệt là vận tải, cảng, du lịch, tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông, tư vấn pháp luật,... đặc biệt là các ngành hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ.
Chú trọng phát triển mạnh thị trường nội địa, từng bước thay thế hàng hóa nhập khẩu; tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả gây rối loạn thị trường. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và khai thác tiềm năng kinh tế biên giới gắn với phát triển các khu đô thị, trung tâm thương mại, khu kinh tế cửa khẩu.
5. Tiếp tục công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, tăng cường tính minh bạch, công khai và công bằng. Đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp dân doanh, thúc đẩy kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, kinh tế tư nhân phát triển nhanh, hiệu quả và cùng tham gia xây dựng, phát triển mạng lưới phân phối để đảm bảo cung ứng hàng hóa hợp lý, kịp thời. Gắn với việc mở rộng giao thương, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành trong nước và nước bạn Campuchia về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật…
6. Ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề, phát triển y tế, văn hóa, thể thao… theo hướng mở rộng các loại hình xã hội hóa, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao.
Nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế dự phòng trong công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển có hiệu quả các lĩnh vực này.
7. Ưu tiên thực hiện tốt các nhiệm vụ an sinh xã hội. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là giải quyết việc làm, xóa nghèo vững chắc; chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ trẻ em, phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới; trợ giúp các đối tượng chính sách, người nghèo; phòng chống tội phạm, kiềm chế các loại tệ nạn xã hội, giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS, giảm tai nạn giao thông.
8. Nâng cao khả năng phòng tránh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) và Nghị quyết của Chính phủ về bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân về gìn giữ và bảo vệ môi trường.
9. Thực hiện hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, chú trọng nâng cao hiệu lực chấp hành pháp luật, tính hiệu quả, công khai, minh bạch trong các chính sách của Nhà nước. Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế. Phát huy dân chủ cơ sở, đối thoại giữa chính quyền địa phương với cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.
10. Không ngừng củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ biên giới, giữ vững trật tự an toàn xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
III. Nhiệm vụ xây dựng Dự toán ngân sách nhà nước năm 2015
Các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 phải gắn với việc xây dựng dự toán ngân sách trong kế hoạch 5 năm 2011-2015, phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản pháp luật liên quan và chỉ thị này. Trên cơ sở đó, việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 cần chú ý một số nội dung cơ bản sau:
1. Đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp
Việc xây dựng dự toán chi phải căn cứ các tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của ngân sách nhà nước do cơ quan có thẩm quyền quyết định, đồng thời phải gắn việc xây dựng ngân sách nhà nước năm 2015 với việc thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện thí điểm chuyển một số đơn vị sự nghiệp công lập có điều kiện sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Chủ động bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương từ nguồn được để lại theo chế độ quy định, nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, các nguồn cải cách tiền lương năm trước chưa sử dụng hết (nếu có) chuyển sang năm 2015 để thực hiện tiền lương cơ sở 1,15 triệu đồng/tháng.
Trong điều kiện cân đối ngân sách khó khăn, yêu cầu các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách lập dự toán chi thường xuyên đúng tính chất nguồn kinh phí, triệt để tiết kiệm, đặc biệt là dự toán chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền, hạn chế tối đa về số lượng và quy mô tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công, phong tặng danh hiệu, tiếp khách, đi công tác trong, ngoài nước và các nhiệm vụ không cấp thiết, cấp bách khác; dự toán chi cho các nhiệm vụ này không tăng so với số thực hiện năm 2014.
2. Đối với công tác xây dựng dự toán ngân sách cấp huyện, thị xã, thành phố và ngân sách cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là ngân sách huyện)
Năm 2015 là năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách địa phương 2011-2015; dự toán ngân sách huyện năm 2015 được xây dựng bảo đảm cân đối đủ nguồn lực thực hiện các chế độ, chính sách đã được cấp có thẩm quyền ban hành và theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Việc lập dự toán ngân sách năm 2015 cần bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của ngân sách nhà nước năm 2015 và những quy định của Luật Ngân sách nhà nước; trong đó, chú ý một số vấn đề sau: