Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2014 xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 03/CT-UBND
Ngày ban hành 01/07/2014
Ngày có hiệu lực 01/07/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Xuân Tiến
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Lâm Đồng, ngày 01 tháng 07 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2015

Năm 2015 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 của cả nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức và có những diễn biến khó lường sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2015. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 với những yêu cầu và nội dung chủ yếu sau:

A. Yêu cầu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015

I. Căn cứ xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách

1. Căn cứ đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước tỉnh Lâm Đồng năm 2014 theo Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 03/12/2013 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 84/2013/NQ-HĐND ngày 05/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị năm 2014 và các Nghị quyết, kết luận, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy trong 6 tháng đầu năm; Chương trình hành động số 413/UBND ngày 23/01/2014 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Cần phân tích, làm rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, tồn tại, các nguyên nhân (khách quan, chủ quan) và biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

2. Căn cứ các mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và khả năng thực hiện của năm 2014; dự báo tình hình trong nước, trong vùng, trong tỉnh, tác động của các diễn biến ở Biển Đông ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.

II. Yêu cầu xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách

1. Phải bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 theo Chỉ thị này và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015, phù hợp với kế hoạch đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2014 - 2015 gắn với các nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm của ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị.

2. Việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 phải bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, đơn vị; đúng chế độ chính sách của nhà nước, và triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bảo đảm thời gian theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan.

3. Phải bảo đảm tính công khai, minh bạch trong xây dựng kế hoạch và phân bổ các nguồn lực.

B. Mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015

I. Mục tiêu tổng quát:

Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tiếp tục tập trung thực hiện 5 khâu đột phá, các công trình trọng điểm gắn với chương trình, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh; xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý. Thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực lãnh đạo điều hành của chính quyền các cấp; triệt để thực hành tiết kiệm; phòng chống tham nhũng, lãng phí. Giữ vững ổn định chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

II. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

1. Về kinh tế:

a) Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung thực hiện chương trình, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, các ngành và các huyện, thành phố. Thực hiện rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình, dự án có hiệu quả. Phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) khoảng 14 - 14,5 %.

b) Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa bền vững. Khuyến khích đưa khoa học công nghệ vào sản xuất; tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Chính phủ; khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân tạo phong trào sâu rộng, thiết thực và tự giác trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đạt mục tiêu 30% số xã và huyện Đơn Dương đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới; gắn thực hiện xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vững.

c) Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn và các sản phẩm công nghiệp có lợi thế của địa phương;.... Rà soát, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và cơ sở hạ tầng của các khu, cụm công nghiệp; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bảo đảm an toàn, an ninh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

d) Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành dịch vụ; khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đổi mới sản phẩm du lịch. Mở rộng mạng lưới dịch vụ nông thôn và chợ nông thôn. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị để nâng cao vị thế và uy tín của hàng hóa sản xuất, chế biến tại Lâm Đồng.

đ) Thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng, phát triển thị trường hiện có, tìm kiếm thêm thị trường mới; đa dạng hóa quan hệ với các đối tác. Đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng các khả năng để tăng mức xuất khẩu ở các thị trường đã có, các thị trường có sức mua lớn; nhất là những mặt hàng có giá trị cao, mặt hàng có lợi thế của tỉnh. Hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu, thiết bị công nghệ lạc hậu, đã qua sử dụng, các loại hàng hóa vật tư trong nước đã sản xuất được. Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA.

e) Thúc đẩy quá trình tái cơ cấu đầu tư công theo hướng loại bỏ những dự án chưa thực sự cấp bách; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển kinh tế ở tất cả các ngành, lĩnh vực, đưa ra nhiều giải pháp phù hợp để thu hút mạnh các nguồn lực ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển. Có biện pháp để lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực, uy tín, khắc phục tình trạng yếu kém về năng lực tài chính, thi công, yếu kém về công nghệ, kéo dài thời gian thi công như hiện nay. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nghiên cứu khoa học và công nghệ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, đảm bảo các dự án đầu tư phải theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư đúng mục tiêu, đúng quy hoạch và kế hoạch.

g) Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực để sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là vốn, đất đai, lao động, công nghệ.

h) Thực hiện kịp thời, đồng bộ kế hoạch tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân, sản xuất kinh doanh tiếp cận các nguồn vốn thuận lợi, tăng dư nợ tín dụng ở mức hợp lý. Đẩy mạnh các kênh huy động vốn ngoài hệ thống ngân hàng.

i) Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh cổ phần hóa, bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ,... theo Đề án, lộ trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ công ích; tăng cường công tác quản lý, giám sát và kiểm tra của chủ sở hữu. Tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện công khai, minh bạch về kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

2. Về xã hội:

a) Lĩnh vực an sinh xã hội:

[...]