Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Báo cáo 39/BC-UBND năm 2013 về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 161/2003/NĐ-CP về Quy chế khu vực biên giới biển do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 39/BC-UBND
Ngày ban hành 19/02/2013
Ngày có hiệu lực 19/02/2013
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Minh Trí
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 02 năm 2013

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 161/2003/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUY CHẾ KHU VỰC BIÊN GIỚI BIỂN

Căn cứ Công văn số 4675/VPCP-NC ngày 27 tháng 6 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển.

Căn cứ Công văn số 2375/BQP-TM ngày 09 tháng 8 năm 2012 của Bộ Quốc phòng về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển.

Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh báo báo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 161/2003/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

1. Tình hình chung

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí quan trọng của cả nước. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao; văn hóa, xã hội có bước tiến tích cực. Chất lượng công tác quy hoạch được nâng lên; đầu tư kết cấu hạ tầng, di dời hệ thống cảng biển đạt hiệu quả tích cực.

Hệ thống chính trị được củng cố và hoạt động ngày càng hiệu quả; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ có nhiều tiến bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền chuyển biến tích cực và hiệu quả tốt hơn. Nội dung và phương pháp hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới, tạo môi trường thuận lợi để phát triển thành phố. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng, an ninh được tăng cường; cải cách tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực; tình hình tham nhũng, lãng phí từng bước được ngăn chặn. Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển thành phố.

Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về chiến lược bảo vệ Tổ quốc; Nghị quyết số 28/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa X; Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 03 tháng 10 năm 2011 của Ban Chấp hành Trung ương. Đảng bộ Thành phố có Nghị quyết chuyên đề về Quốc phòng- An ninh, quán triệt và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật có liên quan đến Nghị định số 161/2003/NĐ-CP; định hướng chỉ đạo các cơ quan chức năng ban hành các văn bản pháp lý để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện, tăng cường giáo dục cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang nâng cao nhận thức rõ về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm củng cố nền Quốc phòng - An ninh.

Cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố nói chung, quân dân huyện biển Cần Giờ nói riêng có truyền thống cách mạng, kiên cường, anh dũng trong chiến tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước; có lòng yêu nước và ý chí quyết tâm cao trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển, đảo của nước ta. Trong những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các ngành, các cấp và toàn dân trong bảo vệ vùng biển của Thành phố. Tuy nhiên công tác bảo vệ chủ quyền vùng biển, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới biển còn đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục được giải quyết trong thời gian tới, đòi hỏi phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cấp các ngành và các lực lượng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Tình hình Kinh tế - xã hội gắn với Quốc phòng - an ninh.

Thành phố đã triển khai nhiều dự án ở khu vực biên giới biển, trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, dự án lấn biển chống sạt lở, ngăn nước mặn triều cường, khu vực neo đậu cho tàu thuyền trú tránh bão; tăng cường áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố.

- Trong những năm qua kinh tế - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh không ngừng được củng cố và giữ vững, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn, hoạt động tôn giáo vẫn còn tiềm ẩn những bất trắc khó lường. Không loại trừ khả năng bọn tình báo, gián điệp vào khu vực biên giới biển để lôi kéo, móc nối với các phản động trong nước tiến hành tuyên truyền, kích động gây mất ổn định an ninh chính trị trong khu vực biển Cần Giờ. Hiện tượng khai thác tài nguyên, môi trường, khoáng sản vẫn còn xảy ra tương đối phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong khu vực biên giới biển

Nhân dân sinh sống trong khu vực biên giới biển chủ yếu làm nông nghiệp và nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản. Cư dân ở các địa phương khác đến làm ăn, sinh sống ngày càng nhiều. Bên cạnh đó những biến động của nền kinh tế thế giới và khu vực đã tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế chung của đất nước, Thành phố và của nhân dân trong khu vực biên giới biển, cảng biển; nhất là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, hàng hóa, giá cả không ổn định, làm dịch vụ kinh doanh... du lịch, các loại cây trồng vật nuôi, từ đó kéo theo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật ngày càng tăng.

Thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, các Sở - ngành liên quan đang phối hợp với huyện Cần Giờ rà soát lại quy hoạch các vùng sản xuất; Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2012; quy hoạch vùng nuôi nhuyễn thể; quy hoạch vùng nuôi thủy sản lồng bè. Đến nay trên địa bàn huyện Cần Giờ đã xây dựng 33 công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản, nghề muối và nông thôn mới với tổng vốn đầu tư trên 95 tỷ đồng; 50 dự án phòng, chống lụt bão, sạt lở bờ sông, biển với tổng vốn đầu tư trên 190 tỷ đồng; hình thành khu thuần dưỡng giống thủy sản Rạch Lá, kêu gọi đầu tư 02 trại sản xuất giống tại địa bàn xã Long Hòa.

Công tác quản lý, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên rừng ngập mặn tiếp tục được đầu tư và đạt kết quả tốt. Cảnh quan hệ sinh thái rừng ngập mặn được bảo tồn, phát triển theo hướng bền vững, đa dạng. Thương hiệu du lịch biển 30/4 và du lịch sinh thái Cần Giờ được quảng bá ngày càng rộng rãi, lượng khách đến tham quan ngày càng tăng. Trong những năm qua, huyện biển Cần Giờ đã thu hút được khoảng hơn 2 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổ chức hội nghị, trong đó, khách nước ngoài chiếm khoảng 10% (chủ yếu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Đức…).

- Thu hút được 26 nhà đầu tư đăng ký thực hiện 27 dự án đầu tư các khu vui chơi, giải trí và điểm du lịch trải đều trên địa bàn huyện với tổng diện tích dự kiến thực hiện khoảng 3.330 ha, trong đó có 07 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động với tổng mức đầu tư 208 tỷ đồng; Ngoài ra từ năm 2009, Lễ hội Nghinh ông Cần Giờ đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giới thiệu ra cả nước và nước ngoài (qua cuốn sự kiện và lễ hội thành phố Hồ Chí Minh).

Thực hiện tốt: đề án “Bảo tồn, nâng cấp rừng ngập mặn”; phương án “Tổ chức, quản lý sử dụng bền vững rừng ngập mặn Cần Giờ đến 2015, tầm nhìn đến năm 2020”; đề án “Phát triển bền vững rừng phòng hộ môi trường Cần Giờ - thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

- Thực hiện các chương trình để phù hợp cho việc phát triển kinh tế chung của thành phố, đáp ứng được nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là khu vực huyện biển Cần Giờ. Đây cũng là khu vực quan trọng góp phần vào kế hoạch phòng thủ chung của thành phố và Quân khu 7. Tiếp tục xây dựng các tổ đội tàu thuyền tham gia vào bảo vệ khu vực biên giới biển, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được tổ chức yêu cầu. Thực hiện Nghị định số 30/2010/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2010 về huy động nhân lực tàu thuyền tham gia bảo vệ biên giới, cho đến nay đã huy động được 12 phương tiện với hơn 100 ngư dân tham gia. Khu vực dân cư từng bước được quy hoạch phù hợp với yêu cầu xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới biển, đồng thời đã tạo điều kiện để nhân dân mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Kinh tế-xã hội phát triển đã góp phần nâng cao trình độ dân trí, đây cũng là điều kiện thuận lợi để nâng cao kiến thức hiểu biết pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới.

3. Tình hình hoạt động của người, phương tiện tàu thuyền.

Thành phố Hồ Chí Minh có bờ biển chính diện 23,5 km, phía Đông Bắc tiếp giáp với tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, phía Tây Nam tiếp giáp với tỉnh Tiền Giang, có vùng nội thủy sâu từ bờ ra đến đường biên giới trên biển là 110 hải lý (205,4km); tạo thành diện tích biển khoảng 4.826,9 km2; Huyện biển Cần Giờ có tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 70.421ha, trong đó có trên 70% diện tích là rừng ngập mặn. Hiện tại trên địa bàn thành phố có 1.746 tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tập trung chủ yếu ở huyện Cần Giờ, trong đó có 136 chiếu tàu công suất trên 90 CV; còn lại tàu có công suất 20 CV - 90 CV. Hàng ngày, trên vùng biển thành phố có khoảng 380 phương tiện/ 985 người hoạt động đánh bắt thủy sản, 14 lượt chuyến đò chở khách đi các tỉnh lân cận, 65 phương tiện vận tải biển; 26 tàu xuất nhập cảnh qua cảng biển thành phố Hồ Chí Minh, hành trình theo luồng hàng hải sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp. Bên cạnh đó, khu vực biên giới biển thành phố cũng thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lụt, biến đổi khí hậu, triều cường ven biển, ven cửa sông.

Các loại tàu thuyền ra vào khu vực cảng biển và biên giới biển cơ bản chấp hành nghiêm Nghị định số 161/2003/NĐ-CP về Quy chế khu vực biên giới biển và các quy định của pháp luật. Song vẫn còn nhiều phương tiện tàu thuyền vi phạm Quy chế khu vực biên giới, vi phạm lĩnh vực hoạt động thủy sản, vi phạm khai thác tài nguyên khoáng sản, vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, vi phạm trong lĩnh vực hàng hải. Các lực lượng chức năng đã tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và tiến hành xử lý nghiêm các vụ vi phạm quy chế khu vực trên biển và biên giới biển. Đã tổ chức tuần tra 282 đợt/2.326 CBCS (cán bộ chiến sỹ); kiểm tra 260 tàu thuyền đánh bắt hải sản trong khu vực. Nhìn chung, các tàu thuyền đánh bắt thủy, hải sản đều chấp hành tốt các thủ tục theo quy định của nhà nước như: đăng ký giấy chứng nhận tàu thuyền, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật theo quy định, sổ danh bạ thuyền viên… Ngoài ra còn tiến hành kiểm tra việc khai thác, trục vớt tài sản, đồ vật khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Khu vực neo đậu tàu thuyền (Thiềng Liềng, Sông Ngã bảy) chủ yếu là các tàu trọng tải lớn neo đậu (trên 4 vạn tấn) là khu vực chuyển tải hàng hóa đi vào thành phố qua cảng biển và các tỉnh lân cận. Người nước ngoài chủ yếu làm việc trên các tàu, không tổ chức đi bờ do nằm xa khu vực đất liền. Người dân chủ yếu hoạt động ra vào làm ăn, sinh sống, khai thác, đánh bắt thủy hải sản trên biển, trên các cồn bãi ven biển và hoạt động nuôi trồng khai thác, vận chuyển thủy hải sản của người dân trên địa bàn. Người dân từ các địa phương khác đến khu vực biên giới biển như khai thác, thăm dò các bãi nuôi nghêu, sò.. đến khu vực hoạt động nên dễ vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp gây nên tình trạng phức tạp về an ninh trật tự. Các lực lượng đã phối hợp tuần tra trên sông, biển và các tuyến đường bộ, ven biển nhằm đảm bảo tốt an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

4. Vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các ngành, các lực lượng trong quản lý bảo vệ biên giới biển.

Quán triệt quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Biên giới quốc gia. Nhận thức rõ vai trò, vị trí tầm quan trọng của khu vực biên giới biển có vị trí chiến lược về Quốc phòng - an ninh. Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố kịp thời chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10 năm 10 năm 2007 của Chính phủ về khu vực phòng thủ; Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các lực lượng thực hiện tốt Luật biên giới Quốc gia, Công ước Quốc tế Luật biển năm 1982, Nghị định số 161/2003/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan về biển, đảo...

Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch, nghị quyết của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về phát triển kinh tế - xã hội gắn với Quốc phòng - an ninh. Nêu cao vai trò trách nhiệm của các địa phương và các lực lượng trú đóng trên địa bàn biên giới, đặc biệt vai trò nhiệm vụ của lực lượng chủ trì, nòng cốt, chuyên trách trong quản lý bảo vệ biên giới (Bộ đội Biên phòng), đã được Luật Biên giới Quốc gia, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, Nghị định số 161/2003/NĐ-CP quy định. Phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện tàu thuyền qua lại, ra vào hoạt động trên biển và khu vực biên giới biển. Bảo đảm giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên phạm vi, địa bàn phụ trách.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, các địa phương, sở ban ngành, các lực lượng, không ngừng củng cố kiện toàn tổ chức, xây dựng vững mạnh toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, trình độ chuyên môn, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thể hiện được vai trò nòng cốt, chuyên trách bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng. Phát huy tốt vai trò tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố trong công tác xây dựng khu vực phòng thủ, củng cố xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, và thực hiện nhiệm vụ phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

[...]