Nghị định 66/2005/NĐ-CP về bảo đảm an toàn cho người và tàu đánh cá hoạt động thuỷ sản

Số hiệu 66/2005/NĐ-CP
Ngày ban hành 19/05/2005
Ngày có hiệu lực 12/06/2005
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Thương mại,Giao thông - Vận tải,Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 66/2005/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 2005

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 66/2005/NĐ-CP NGÀY 19 THÁNG 5 NĂM 2005 VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NGƯỜI VÀ TÀU CÁ HOẠT ĐỘNG THUỶ SẢN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản ở các vùng biển và các vùng nước tự nhiên khác của Việt Nam, bao gồm: trách nhiệm của chủ tàu, thuyền trưởng và thuyền viên; đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá và thuyền viên; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thuỷ sản trên các vùng biển và các vùng nước tự nhiên khác của Việt Nam đều phải tuân theo các quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích thuật ngữ

1. Chủ tàu cá: là tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý, sử dụng tàu cá.

2. Thuyền trưởng: là người chỉ huy trên tàu cá đối với loại tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 sức ngựa trở lên hoặc không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 mét trở lên.

3. Người lỏi tàu cá: là người trực tiếp điều khiển tàu cá đối với loại tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 20 sức ngựa hoặc không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét.

4. Thuyền viên tàu cá: là những người thuộc định biên của tàu, bao gồm thuyền trưởng, các sĩ quan và các chức danh khác được bố trí làm việc trên tàu.

5. Người làm việc trên tàu cá: là những người không thuộc biên chế thuyền viên: cán bộ thi hành công vụ, cán bộ nghiên cứu khoa học, sinh viên thực tập.

Điều 4. Nguyên tắc đảm bảo an toàn hoạt động cho người và tàu cá

1. Đảm bảo an toàn cho người và tàu cá phải được tiến hành đồng bộ các công việc: thực hiện các quy định đảm bảo an toàn kỹ thuật tàu cá ngay từ khâu đóng tàu; xây dựng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá (cảng cá, bến cá, khu neo đậu trú bão và hệ thống thông tin liên lạc...); tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân và cộng đồng.

2. Đảm bảo an toàn cho người và tàu cá là trách nhiệm của ngư dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chương 2:

TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ TÀU, THUYỀN TRƯỞNG VÀ THUYỀN VIÊN TÀU CÁ TRONG VIỆC ĐẢM BẢO AN TOÀN

Điều 5. Đối với chủ tàu cá

1. Đảm bảo tàu cá luôn ở trạng thái an toàn.

2. Trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn, cứu nạn, thông tin, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người và tàu cá theo tiêu chuẩn quy định. Xây dựng và ban hành nội quy, quy trình sử dụng các trang thiết bị an toàn trên tàu cá.

3. Ký kết hợp đồng lao động với thuyền viên, người làm việc theo quy định của pháp luật; thường xuyên nắm số lượng thuyền viên, người làm việc trên tàu cá, vùng biển hoạt động của tàu cá và báo cáo cơ quan quản lý thuỷ sản địa phương nơi cư trú khi có yêu cầu; sẵn sàng cho tàu cá đi làm nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh điều động của cấp có thẩm quyền.

4. Đối với các tàu khai thác hải sản sản xa bờ, chủ tàu cá phải mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên, phải thông báo cho cơ quan quản lý thuỷ sản nơi đăng ký tàu cá về tần số liên lạc của tàu.

[...]