Đầu cơ là gì? Phân biệt đầu cơ và đầu tư

Dưới đây là định nghĩa về hành vi đầu cơ trong bất động sản và sự khác biệt giữa đầu cơ và đầu tư. Và hành vi đầu cơ bất động sản được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Đầu cơ là gì?

    Đầu cơ là thuật ngữ phổ biến trong cáco lĩnh vực liên quan đến đầu tư sinh lời.

    Thuật ngữ đầu cơ trong bất động sản là hành vi mua bất động sản không nhằm mục đích sử dụng thực sự (như để ở, cho thuê hoặc sử dụng để khai thác tiềm năng kinh doanh), mà chủ yếu để chờ giá tăng trong tương lai gần rồi bán lại kiếm lời trong ngắn hoặc trung hạn.

    Người đầu cơ thường tập trung vào hoạt động mua bất động sản với giá thấp giữ lại trong một thời gian ngắn, đến khi có sự kiện hoặc yếu tố nổi bật làm tăng giá trị của bất động sản trên, họ nhanh chóng bán đi để thu lợi.

    Đây là một chiến lược đầu tư có khả năng sinh lời cao và thuật ngữ này ngày càng được sử dụng phổ biến vì đất ngày càng khan hiếm. Tuy nhiên, chiến lược đầu tư này đi kèm với rủi ro cao vì cần một một lượng vốn lớn để thực hiện hành vi đầu cơ và khả năng kinh nghiệm trong việc dự đoán xu hướng thị trường bất động sản trong tương lai.

    Trường hợp nếu không bán được trong thời gian ngắn, lãi suất ngân hàng tăng cao, giá trị đồng tiền giảm đi hay thị trường xuất hiện hiện tượng bong bóng bất động sản sẽ dẫn đến thời gian hoàn vốn bị kéo dài và mất khả năng thanh khoản trước khi kịp bán đi.

    Đầu cơ là gì? Phân biệt đầu cơ và đầu tư

    Đầu cơ là gì? Phân biệt đầu cơ và đầu tư (Hình từ Internet)

    Phân biệt đầu cơ và đầu tư

    Để phân biệt đầu cơ và đầu tư, cần tìm hiểu khái niệm đầu tư:

    (1) Đầu tư là gì?

    Thuật ngữ đầu tư trong bất động sản là hành vi mua bán bất động sản với mong muốn thấy được sự tăng trưởng và thu được lợi nhuận trong một khoảng thời gian nhất định.

    Người đầu tư thường tập trung vào hoạt động mua bất động sản với giá thấp và duy trì việc sở hữu dài hạn.

    (2) Phân biệt đầu cơ và đầu tư

    - Xét về mục đích của hành vi: Đầu cơ nhằm để kiếm lời trong thời gian ngắn trong khi đầu tư thì giữ lại trong thời gian nhất định nhằm duy trì sự bền vững và lợi nhuận về lâu dài.

    - Xét về thời gian nắm giữ: Hành vi đầu cơ chỉ nắm giữ bất động sản ngắn hạn hoặc trung hạn (dao động vài ngày, vài tháng hoặc năm). Hành vi đầu tư thì nắm giữ tài sản dài hạn (vài năm trở lên).

    - Xét về tài chính: Có những trường hợp đầu cơ bất động sản thông qua vay mượn với lãi suất cao để sở hữu trong thời gian ngắn, sau đó bán ra và hưởng phần chênh lệch. Trong khi đó, việc đầu tư bất động sản sẽ dựa vào nguồn vốn sẵn có để sở hữu bất động sản trong thời gian dài.

    - Xét về lợi nhuận: Lợi nhuận từ hành vi đầu cơ từ sự tăng giá bất thường của bất động sản và hưởng phần chênh lệch từ giá mua và giá bán. Lợi nhuận đến từ đầu tư có thể được khai thác thông qua hoạt động cho thuê, cổ tức hoặc tăng giá bền vững.

    - Xét về khả năng chịu đựng chi phí: Việc đầu cơ bất động sản tạo ra gánh nặng lớn cho chủ sở hữu vì phải duy trì chi phí bảo trì và duy trì tài sản như chi phí tu sửa, lãi vay từ ngân hàng,... Chi phí của đầu tư thì dễ chịu hơn vì có thể duy trì thông qua hoạt động cho thuê hoặc kinh doanh trên chính bất động sản đó.

    - Xét về sự ảnh hưởng lên thị trường: Đầu cơ với số lượng lớn dẫn đến mất kiểm soát có thể dẫn đến bong bóng, cơn sốt ảo, làm mất cân bằng thị trường bất động sản. Mặc khác, đầu tư bất động sản giúp ổn định và phát triển thị trường bất động sản về lâu về dài.

    Hành vi đầu cơ bất động sản bị phạt như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 196 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung bởi Điểm h khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 và điểm i khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) về quy định như sau:

    - Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    + Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

    + Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

    + Có tổ chức;

    + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

    + Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

    + Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

    + Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

    + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    + Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;

    + Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

    + Tái phạm nguy hiểm.

    - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    - Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự 2015, thì bị xử phạt như sau:

    + Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 196 Bộ luật hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

    + Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều 196 Bộ luật hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;

    + Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 196 Bộ luật hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

    + Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

    Như vậy, trong trường hợp đầu cơ mà bất động sản trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên, thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên và tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

    saved-content
    unsaved-content
    161