Việc thi hành án dân sự có đương nhiên kết thúc khi đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình không?
Nội dung chính
Việc thi hành án dân sự có đương nhiên kết thúc khi đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình không?
Thi hành án dân sự là hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, người được thi hành án, người phải thi hành án và các chủ thể khác trong việc thực hiệnbản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa án; là hoạt động thi hành các bản án, quyết định sau đây của Tòa án: bán án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế; quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hành chính; quyết định về dân sự trong bản án; quyết định hình sự; các bản án khác do pháp luật quy định...
Theo quy định hiện nay thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự là người có thẩm quyền ra quyết định thi hành hành án dân sự. Theo đó, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thể tự mình chủ động ra quyết định thi hành án dân sự hoặc chỉ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án.
Trình tự, thủ tục thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về thi hành án dân sự. Việc thi hành án dân sự sẽ đương nhiên kết thúc trong một số trường hợp cụ thể theo luật định.
Theo đó, theo quy định tại Điều 52 Luật Thi hành án dân sự 2008 được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 thì việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong trường hợp sau đây:
- Có xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình.
- Có quyết định đình chỉ thi hành án.
Như vậy, trường hợp đương sự bị thi hành án dân sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình và đã có xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình thì việc thi hành án dân sự sẽ đương nhiên kết thúc theo quy định trên.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.