Trình tự, thủ tục bắt người, tạm giữ và khám xét chỗ ở. Khiếu nại liên quan đến việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ.

Tôi có chị dâu đang có con nhỏ hơn 12 tháng. Vừa qua chị tôi đi làm bị người ta vu oan là ăn cắp tiền và bên công an cũng xác định điều đó. Khi bị vu oan chị tôi đã bị công an tạm giữ từ 18h hôm trước tới sáng ngày hôm sau, khi tạm giữ thì không có giấy tạm giữ và cũng không thông báo cho gia đình biết. Đến 21h cùng ngày có 2 đồng chí công an huyện mặc thường phục và 2 công an xã vào nhà bố mẹ chồng chị ấy ở tầng 1 khám nhà nhưng lại không có lệnh khám xét (thực tế vợ chồng chị ấy có hộ khẩu riêng và được bố mẹ cho 1 phòng sống ở trên tầng 2). Sáng hôm sau khi gia đình tôi bế con của chị ấy xuống để cho uống sữa năn nỉ mãi thì bên công an mới cho bảo lãnh để ra. Sự việc xảy ra đã làm ảnh hưởng không tốt cho chị ấy và gia đình. Vậy cho tôi hỏi những người đại diện cho pháp luật đó làm đúng hay sai? Nếu sai thì sai điều gì, và nếu bị phạt thì phạt như thế nào? Chị dâu tôi và gia đình tôi sẽ nhận được gì khi họ sai?

Nội dung chính

    Chị của bạn bị cơ quan công an áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt người trong trường hợp khẩn cấp theo Điều 84 Bộ luật Hình sự và tạm giữ theo Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự.

    Việc bắt và tạm giữ người phải được thực hiện theo đúng căn cứ, trình tự, thủ tục của pháp luật.

    Căn cứ bắt khẩn cấp trong trường hợp của chị bạn được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 84 Bộ luật Tố tụng hình sự: "Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn".

    Người có thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp trong trường hợp này là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra công an cấp huyện.

    Nội dung lệnh bắt và việc thi hành lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp phải theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 80, Điều 84, Điều 85 của Bộ luật Tố tụng hình sự:

    Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu.

    Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.

    Biên bản phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ và những khiếu nại của người bị bắt.

    Biên bản phải được đọc cho người bị bắt và những người chứng kiến nghe. Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.

    Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.

     Người ra lệnh bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu việc thông báo cản trở quá trình điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt phải thông báo ngay.

    Về biện pháp tạm giữ trong trường hợp này. Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định như sau:

    Người có thẩm quyền ra lệnh tạm giữ trong trường hợp này là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra công an cấp huyện.

    Quyết định tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, ngày hết hạn tạm giữ và phải giao cho người bị tạm giữ một bản. Người thi hành quyết định tạm giữ phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ quy định tại Điều 48 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

    Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện Kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

    Về biện pháp khám xét chỗ ở, theo quy định tại khoản 1 Điều 140 Bộ luật Tố tụng hình sự, biện pháp khám xét nhà ở chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

    Thẩm quyền ra lệnh khám xét được quy định tại Điều 141 Bộ luật Tố tụng hình sự.

    Khi khám chỗ ở phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến.

    Việc khám chỗ ở không được tiến hành vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

    Căn cứ những quy định trên, cơ quan công an bắt tạm giữ chị bạn mà không có lệnh bắt, không có quyết định tạm giữ, không thông báo cho gia đình người bị bắt, khám xét chỗ ở không có lệnh khám xét là trái quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị bạn.

    Theo quy định tại Điều 325 Bộ luật Tố tụng dân sự, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

    Khiếu nại liên quan đến việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam phải được Viện Kiểm sát xem xét, giải quyết ngay. Trong trường hợp cần phải có thời gian để xác minh thêm thì thời hạn giải quyết không được quá ba ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện Kiểm sát phải xem xét, giải quyết. Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.

    Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 326 Bộ luật Tố tụng hình sự, người khiếu nại có quyền được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

    608