Toàn văn Thông tư 07 2025 TT NHNN sửa đổi quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng?

Chuyên viên pháp lý: Đặng Trần Trà My
Tham vấn bởi Luật sư: Nguyễn Thụy Hân
Thông tư 07 2025 TT NHNN sửa đổi quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng như thế nào? Áp dụng kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng trong các trường hợp nào?

Nội dung chính

    Toàn văn Thông tư 07 2025 TT NHNN sửa đổi quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng như thế nào?

    Ngày 06/6/2025, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 07/2025/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2024/TT-NHNN quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

    >>> Xem toàn văn Thông tư 07 2025 TT NHNN Tải về

    Theo đó, tại Thông tư 07 2025 TT NHNN thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bổ sung thêm quy định về việc ghi giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc tại Điều 7a vào sau Điều 7 Thông tư 39/2024/TT-NHNN như sau:

    - Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc theo quy định tại khoản 4 Điều 179 hoặc khoản 4 Điều 180 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt phải hoàn thành việc xác định và gửi Ban kiểm soát đặc biệt kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất cho kỳ kế toán tính từ thời điểm có báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất đến ngày cuối cùng của tháng liền trước ngày Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc theo các Chuẩn mực kế toán Việt Nam, Chế độ kế toán và các quy định của pháp luật liên quan.

    - Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc theo quy định tại khoản 4 Điều 179 hoặc khoản 4 Điều 180 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Ban kiểm soát đặc biệt hoàn thành việc xác định và báo cáo Ngân hàng Nhà nước (qua Cục Quản lý, giám sát tổ chức tín dụng) kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt cho kỳ kế toán quy định tại khoản 1 Điều 7a Thông tư 39/2024/TT-NHNN (trong cả trường hợp ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt không hoàn thành việc xác định kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 7a Thông tư 39/2024/TT-NHNN) và đề nghị Ngân hàng Nhà nước (qua Cục Quản lý, giám sát tổ chức tín dụng) quyết định ghi giảm toàn bộ vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc để giảm lỗ lũy kế tương ứng theo quy định tại khoản 2 Điều 183 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 trong trường hợp ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và theo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt do Ban kiểm soát đặc biệt xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 7a Thông tư 39/2024/TT-NHNN.

    - Căn cứ báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và báo cáo, đề nghị của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 2 Điều 7a Thông tư 39/2024/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước quyết định ghi giảm toàn bộ vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc để giảm lỗ lũy kế tương ứng tại Quyết định chuyển giao bắt buộc theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 183 Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Mức vốn này thay thế mức vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động mà Ngân hàng Nhà nước đã cấp cho ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.

    *Xem chi tiết thêm tại Thông tư 07 2025 TT NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2024/TT-NHNN quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

    Toàn văn Thông tư 07 2025 TT NHNN sửa đổi quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng như thế nào? (Hình ảnh từ Internet)

    Áp dụng kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng trong các trường hợp nào?

    Căn cứ Điều 162 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định các trường hợp tổ chức tín dụng bị áp dụng kiểm soát đặc biệt như sau:

    Điều 162. Áp dụng kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng
    1. Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
    a) Tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có phương án khắc phục gửi Ngân hàng Nhà nước hoặc không điều chỉnh phương án khắc phục theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước;
    b) Trong thời hạn thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có khả năng thực hiện phương án khắc phục;
    c) Hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà tổ chức tín dụng không khắc phục được tình trạng dẫn đến thực hiện can thiệp sớm;
    d) Bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng;
    đ) Tỷ lệ an toàn vốn của tổ chức tín dụng thấp hơn 04% trong thời gian 06 tháng liên tục;
    e) Tổ chức tín dụng bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản.
    ...

    Như vậy, các tổ chức tín dụng thuộc các trường hợp sau đây sẽ bị áp dụng kiểm soát đặc biệt:

    - Tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có phương án khắc phục hoặc không điều chỉnh phương án khắc phục theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước;

    - Trong thời hạn thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có khả năng thực hiện phương án;

    - Hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng không khắc phục được;

    - Bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng;

    - Tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 04% trong thời gian 06 tháng liên tục;

    - Tổ chức tín dụng bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản.

    Nhiệm vụ và quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt như thế nào?

    Căn cứ khoản 2 Điều 163 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt:

    Điều 163. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt
    ...
    2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt bao gồm:
    a) Xử lý kiến nghị của Ban kiểm soát đặc biệt;
    b) Chỉ định Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị; Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng thành viên; Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát; Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt;
    c) Quyết định, điều chỉnh nội dung, phạm vi hoạt động, mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt;
    d) Yêu cầu chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt báo cáo việc sử dụng cổ phần, phần vốn góp; không được chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp; không được sử dụng cổ phần, phần vốn góp để làm tài sản bảo đảm;
    đ) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.
    ...

    Như vậy, nhiệm vụ và quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt bao gồm:

    - Xử lý kiến nghị của Ban kiểm soát đặc biệt;

    - Chỉ định Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị; Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng thành viên; Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát; Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt;

    - Quyết định, điều chỉnh nội dung, phạm vi hoạt động, mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt;

    - Yêu cầu chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt báo cáo việc sử dụng cổ phần, phần vốn góp; không được chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp; không được sử dụng cổ phần, phần vốn góp để làm tài sản bảo đảm;

    - Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định.

    saved-content
    unsaved-content
    81