Toà án có thụ lý giải quyết đối với yêu cầu đòi lại Sổ đỏ không?
Nội dung chính
Sổ đỏ có phải là một loại tài sản không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó, khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định Sổ đỏ là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trước đây, tại Công văn 141/TANDTC/KHXX năm 2011 Tòa án nhân dân tối cao cũng nêu rõ rằng Sổ đỏ không phải là “giấy tờ có giá".
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên thì Sổ đỏ không phải là tài sản mà Sổ đỏ là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Toà án có thụ lý giải quyết đối với yêu cầu đòi lại Sổ đỏ không? (Hình từ Internet)
Toà án có thụ lý giải quyết đối với yêu cầu đòi lại Sổ đỏ không?
Tại Công văn 141/TANDTC/KHXX năm 2011, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn rằng Sổ đỏ không phải là giấy tờ có giá, do đó, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại giấy tờ này thì Tòa án không thụ lý giải quyết.
Bên cạnh đó, Điều 164 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, nếu chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết theo hướng buộc người đang chiếm giữ phải trả lại Sổ đỏ, thì Tòa án sẽ không thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, nếu ngay từ đầu, người khởi kiện có yêu cầu Tòa án giải quyết theo hướng buộc người chiếm giữ không chỉ trả lại Sổ đỏ mà còn chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất hợp pháp, thì Tòa án sẽ thụ lý giải quyết vụ án.
Vì vậy, trong trường hợp bị chiếm giữ Sổ đỏ, thay vì chỉ yêu cầu Tòa án buộc trả lại Sổ đỏ, người có quyền nên đưa ra yêu cầu cụ thể về việc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật trong quá trình thực hiện quyền sử dụng đất, để Tòa án có cơ sở xem xét thụ lý và giải quyết vụ án.
Mẫu đơn khởi kiện yêu cầu đòi lại Sổ đỏ, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sử dụng đất
Mẫu đơn khởi kiện yêu cầu đòi lại Sổ đỏ, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật trong quá trình thực hiện quyền sử dụng đất theo Mẫu số 23-DS tại Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP.
Xem và tải về mẫu Tại đây
Nộp đơn khởi kiện yêu cầu đòi lại Sổ đỏ, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sử dụng đất bằng cách nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), cụ thể:
+ Người khởi kiện phải truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tòa án điền đầy đủ nội dung đơn khởi kiện, ký điện tử và gửi đến Tòa án.
+ Tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện phải được gửi đến Tòa án qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.