Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp như thế nào?
Nội dung chính
Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp như thế nào?
Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp được hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, theo đó:
Điều 4. Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp
1. Đối với phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, việc chuyển hồ sơ vụ án dân sự cho Viện kiểm sát được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 220, Điều 292, khoản 3 Điều 318, khoản 2 Điều 323, khoản 2 Điều 336, Điều 357 BLTTDS.
Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thì quyết định kháng nghị cùng hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Tòa án nhân dân cấp cao. Sau khi thụ lý vụ án để xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao chuyển ngay hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân cấp cao để nghiên cứu, tham gia phiên tòa. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao phải trả lại hồ sơ cho Tòa án.
2. Đối với phiên họp xét kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp phúc thẩm gửi đơn kháng cáo quá hạn, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ, Viện kiểm sát phải trả lại cho Tòa án.
3. Đối với phiên họp phúc thẩm xem xét quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ cho Tòa án.
4. Đối với phiên họp xét đơn yêu cầu, phiên họp xét kháng cáo, kháng nghị trong thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam; công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài, Tòa án gửi hồ sơ cùng quyết định mở phiên họp cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 15 ngày trước ngày mở phiên họp. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ cho Tòa án.
5. Đối với phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo thủ tục đặc biệt, phiên họp giải quyết việc dân sự thì việc chuyển hồ sơ vụ án, việc dân sự cho Viện kiểm sát được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 359, khoản 3 Điều 366, khoản 3 Điều 373 BLTTDS.
Trường hợp có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Tòa án nhân dân tối cao gửi cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao bản sao văn bản yêu cầu, kiến nghị hoặc đề nghị đó cùng hồ sơ vụ án trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, kiến nghị hoặc đề nghị.
6. Trường hợp Viện kiểm sát đã nhận được hồ sơ để xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, xem xét kiến nghị theo thủ tục đặc biệt thì Tòa án không phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát đó để tham gia phiên tòa, phiên họp mà chỉ gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định mở phiên họp cho Viện kiểm sát theo quy định của BLTTDS và Thông tư liên tịch này.
Trên đây là nội dung quy định về Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp, được quy định tại Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC.