Tổ chức kinh tế là gì? Tổ chức kinh tế nhận quyền sử dụng đất thông qua các hình thức nào theo Luật Đất đai mới nhất?
Nội dung chính
Tổ chức kinh tế là gì?
Theo khoản 21 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.
Tổ chức kinh tế nhận quyền sử dụng đất thông qua các hình thức nào theo Luật Đất đai mới nhất?
Theo quy định tại Điều 28 Luật Đất đai 2024 thì tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng loại đất sau đây:
Nhận quyền sử dụng đất
1. Người nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:
…
b) Tổ chức kinh tế, cá nhân được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
c) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao;
d) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ;
đ) Tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất;
…
i) Tổ chức trong nước, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;
k) Tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được Nhà nước cho thuê đất;
l) Tổ chức trong nước, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với đất đang được sử dụng ổn định;
m) Tổ chức trong nước, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật; văn bản về việc chia, tách quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật đối với nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất;
…
o) Tổ chức trong nước là pháp nhân mới được hình thành thông qua việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi mô hình tổ chức theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc văn bản về việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi mô hình tổ chức của tổ chức kinh tế phù hợp với pháp luật được nhận quyền sử dụng đất từ các tổ chức là pháp nhân bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi.
Theo đó, tổ chức kinh tế được nhận quyền sử dụng đất theo các hình thức sau:
(1) Nhận chuyển nhượng đất từ cá nhân hoặc tổ chức khác;
(2) Nhận quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao;
(3) Nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất;
(4) Nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất;
(5) Được Nhà nước giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở;
(6) Được Nhà nước cho thuê đất; được công nhận quyền sử dụng đất đối với đất đang sử dụng ổn định;
(7) Nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải, thỏa thuận thế chấp, quyết định của cơ quan có thẩm quyền, hoặc qua đấu giá hợp pháp; và nhận quyền sử dụng đất từ việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi mô hình tổ chức theo pháp luật.
Tổ chức kinh tế là gì? Tổ chức kinh tế nhận quyền sử dụng đất thông qua các hình thức nào theo Luật Đất đai mới nhất? (Hình ảnh từ internet)
Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm được bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê khi có đủ các điều kiện gì?
Tại Điều 46 Luật Đất đai 2024 quy định điều kiện bán tài sản gắn liền với đất, quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm khi đáp ứng các điều kiện sau:
Điều kiện bán tài sản gắn liền với đất, quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm
1. Tổ chức kinh tế, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được bán tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Tài sản gắn liền với đất thuê được tạo lập hợp pháp và đã được đăng ký theo quy định của pháp luật;
b) Đã hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận (nếu có), trừ trường hợp phải thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thi hành, quyết định cưỡng chế của cơ quan thi hành án dân sự hoặc kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra.
2. Tổ chức kinh tế, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm được bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Đã ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà chưa khấu trừ hết vào tiền thuê đất phải nộp.
Như vậy, để bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đối với đất do Nhà nước cho thuê thu tiền thuê hằng năm, tổ chức kinh tê phải đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Tài sản phải được tạo lập hợp pháp, đã đăng ký theo quy định, hoàn thành xây dựng theo quy hoạch và dự án đã phê duyệt;
(2) Đã ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà chưa khấu trừ hết vào tiền thuê đất phải nộp.