Thủ tục công nhận cán bộ tiền khởi nghĩa

Cha tôi tham gia CM từ tháng 2/1945, tuy nhiên các hồ sơ đã bị thất lạc, ông có huân chưng kháng chiến chống pháp và có 2 giấy chứng nhận của 2 đ/c cùng hoạt động ( Hai đ/c này đã được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa). Cha tôi đã mất năm 1987, vậy cha tôi có được công nhân là cán bộ tiền khởi nghĩa không? và thủ tục hồ sơ phải làm như thế nào?

Nội dung chính

    Câu hỏi của bạn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Đà Nẵng trả lời như sau:

         Căn cứ Hướng dẫn số 30-HD/BTCTW ngày 12/8/2009 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng hướng dẫn về điều kiện, căn cứ và quy trình xét, công nhận người hoạt động cách mạng trước năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945:

         1. Quy định chung:
         Chỉ xem xét, công nhận đối với người hoạt động cách mạng trước năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 đã hy sinh, từ trần mà trong quá trình hoạt động cách mạng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức khai trừ ra khỏi Đảng, kết án tù chung thân do tham gia các đảng phái phản động, chống phá cách mạng.

         2. Căn cứ xem xét, công nhận
         a) Trường hợp người hoạt động cách mạng có lý lịch:
         - Lý lịch cán bộ, đảng viên do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý, khai từ năm 1962 trở về trước, nếu lý lịch này thất lạc có lý do xác đáng thì được sử dụng lý lịch khai trong cuộc vận động bảo vệ Đảng theo Chỉ thị số 90-CT/TW ngày 01 tháng 3 năm 1965 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá III).
         - Đối với người hoạt động cách mạng được kết nạp vào Đảng sau năm 1969 và người hoạt động liên tục ở chiến trường B,C,K từ năm 1954 đến năm 1975 thì căn cứ lý lịch đảng viên viết năm 1975, 1976 khai theo Thông tri số 297/TT-TW ngày 20/4/1974 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá III) để xem xét công nhận.

         b) Trường hợp không có lý lịch (hoặc không còn lý lịch) thì căn cứ vào một trong các tài liệu có liên quan sau đây:
         - Hồ sơ của người hoạt động cách mạng đã được khen thưởng Huân chương sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập;
         - Hồ sơ của người hoạt động cách mạng đã được truy tặng danh hiệu liệt sĩ;
         - Người hoạt động cách mạng đã được ghi nhận trong lịch sử đảng bộ từ cấp xã, phường trở lên, được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cho xuất bản từ ngày 01 tháng 10 năm 2007 trở về trước;
         - Người hoạt động cách mạng có hồ sơ đang lưu giữ tại các cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, Bảo tàng lịch sử của Trung ương và địa phương từ cấp quận, huyện trở lên;
         - Người hoạt động cách mạng bị địch bắt, giam giữ tại các nhà tù của đế quốc mà vẫn giữ được khí tiết của người cách mạng, có hồ sơ, danh sách đang lưu giữ tại các cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, Bảo tàng lịch sử của Trung ương, địa phương từ cấp quận, huyện trở lên.

         3. Về thủ tục công nhận.
         Đề nghị thân nhân được uỷ quyền (nếu người từ trần còn có thân nhân khác) liên hệ với Đảng uỷ hoặc Cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xã, phường nơi thân nhân của người hoạt cách mạng từ trần cư trú để được hướng dẫn cụ thể. 

    1