Thời hạn giải quyết tố cáo được pháp luật quy định như thế nào? Việc rút tố cáo được thực hiện như thế nào?
Nội dung chính
Thời hạn giải quyết tố cáo được pháp luật quy định như thế nào? Việc rút tố cáo được thực hiện như thế nào?
Tại Điều 3 Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định về thời hạn giải quyết tố cáo như sau:
(1) Thời hạn giải quyết tố cáo được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Tố cáo 2018. Việc gia hạn giải quyết tố cáo được áp dụng đối với vụ việc phức tạp và đặc biệt phức tạp theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 30 Luật Tố cáo 2018.
(2) Vụ việc phức tạp là vụ việc có một trong các tiêu chí sau đây:
- Tố cáo về một nội dung nhưng phải xác minh từ 02 địa điểm trở lên;
- Tố cáo có từ 02 nội dung phải xác minh trở lên;
- Nhiều người tố cáo về cùng một nội dung hoặc nội dung tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều người;
- Tố cáo có yếu tố nước ngoài: người tố cáo ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài; hành vi bị tố cáo xảy ra ở nước ngoài; nội dung tố cáo phải xác minh ở nước ngoài;
- Nội dung tố cáo liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức;
- Các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình giải quyết tố cáo còn ý kiến khác nhau;
- Có tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thời gian kiểm tra, xác minh, đánh giá hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn.
- Vụ việc đặc biệt phức tạp là vụ việc có từ 02 tiêu chí trở lên được quy định tại Điều 3 Nghị định 31/2019/NĐ-CP.
(4) Việc gia hạn giải quyết tố cáo phải được thực hiện bằng quyết định của người giải quyết tố cáo, được gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Luật Tố cáo 2018. Quyết định gia hạn giải quyết tố cáo được thực hiện theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Thời hạn giải quyết tố cáo được pháp luật quy định như thế nào? Việc rút tố cáo được thực hiện như thế nào? (hình ảnh từ internet)
Việc rút tố cáo được thực hiện như thế nào?
Tại Điều 4 Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định về việc rút tố cáo như sau:
(1) Người tố cáo có quyền rút một phần hoặc toàn bộ nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản, văn bản rút tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ và tên, địa chỉ của người rút tố cáo; nội dung tố cáo được rút, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người rút tố cáo. Trường hợp người tố cáo đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trực tiếp rút tố cáo thì người tiếp nhận lập biên bản ghi lại việc rút tố cáo và người rút tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản. Văn bản rút tố cáo được thực hiện theo Mẫu số 02, biên bản ghi nhận việc rút tố cáo được thực hiện theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
(2) Trường hợp nhiều người cùng tố cáo mà có một hoặc một số người rút tố cáo thì từng người rút tố cáo thực hiện việc rút tố cáo theo quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp tất cả những người tố cáo rút tố cáo thì người đại diện thực hiện việc rút tố cáo bằng văn bản hoặc người tiếp nhận lập biên bản ghi lại việc rút tố cáo có chữ ký hoặc điểm chỉ xác nhận của những người tố cáo hoặc của người đại diện.
(3) Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Tố cáo 2018 . Người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo theo quy định của pháp luật; xử lý người có hành vi đe dọa, mua chuộc người tố cáo hoặc người lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức cấp dưới trong trường hợp quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết thì xử lý ra sao?
Tại Điều 5 Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định về người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức cấp dưới trong trường hợp quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết như sau:
(1) Khi có căn cứ xác định việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp phải giải quyết tố cáo trong những trường hợp sau đây:
- Có vi phạm về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo dẫn đến kết luận tố cáo không chính xác, khách quan hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc;
- Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Tố cáo 2018.
(2) Khi có dấu hiệu không khách quan trong việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức cấp dưới thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp phải giải quyết tố cáo trong những trường hợp sau đây:
- Người bị tố cáo là vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố mẹ bên vợ hoặc bên chồng, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo, của người giải quyết tố cáo;
- Nội dung tố cáo có liên quan trực tiếp đến vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố mẹ bên vợ hoặc bên chồng, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo, của người giải quyết tố cáo;
- Người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo có lợi ích liên quan trực tiếp với người bị tố cáo.
(3) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp lấy vụ việc tố cáo để giải quyết theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định 31/2019/NĐ-CP phải có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức cấp dưới chấm dứt việc giải quyết và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan, tổ chức cấp trên.
Khi nhận được hồ sơ vụ việc, thủ trưởng cơ quan, tổ chức cấp trên ra quyết định thụ lý tố cáo và thông báo bằng văn bản cho người tố cáo, người bị tố cáo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp dưới trực tiếp giải quyết vụ việc và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thời hạn giải quyết tố cáo được tính từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo.