Thời gian để UBND xã ban hành văn bản chấp thuận cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là bao lâu?
Nội dung chính
Thời gian để UBND xã ban hành văn bản chấp thuận cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 112/2024/NĐ-CP như sau:
Hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa
1. Người sử dụng đất trồng lúa có nhu cầu chuyển đổi sang trồng cây lâu năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, gửi Bản Đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa (sau đây gọi là Bản Đăng ký) đến Ủy ban nhân dân cấp xã theo mẫu Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Bản Đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa hợp lệ; Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét sự phù hợp của Bản Đăng ký với Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa hằng năm của cấp xã.
a) Trường hợp Bản Đăng ký phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa hằng năm của cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành văn bản chấp thuận cho phép chuyển đổi theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này, gửi cho người sử dụng đất trồng lúa đăng ký;
b) Trường hợp Bản Đăng ký không phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa hằng năm của cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo bằng văn bản theo mẫu Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này, người sử dụng đất trồng lúa đăng ký.
Như vậy, khi người sử dụng đất trồng lúa đã gửi Bản Đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa đến Ủy ban nhân dân cấp xã thì trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Bản Đăng ký, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành văn bản chấp thuận cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nếu Bản Đăng ký phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa hằng năm của cấp xã.
Tuy nhiên, nếu Bản Đăng ký không phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa hằng năm của cấp xã thì sẽ không ban hành văn bản chấp thuận cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa. Mà thay vào đó, Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ thông báo bằng văn bản cho người sử dụng đất trồng lúa đăng ký về việc không chấp thuận.
Xem chi tiết Mẫu Văn bản chấp thuận cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa: Tải về
Thời gian để UBND xã ban hành văn bản chấp thuận cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là bao lâu? (Ảnh từ Internet)
Hỗ trợ địa phương sản xuất lúa được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 112/2024/NĐ-CP như sau:
Hỗ trợ địa phương sản xuất lúa
1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa như sau:
a) Hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa;
b) Hỗ trợ 750.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa còn lại, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa;
c) Hỗ trợ thêm 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
2. Diện tích đất trồng lúa được hỗ trợ theo điểm a, điểm b khoản 1 Điều này được xác định theo số liệu thống kê đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố của năm liền kề trước năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, riêng đối với kinh phí phân bổ cho năm 2025 là số liệu thống kê đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố của năm 2023.
3. Diện tích đất trồng lúa được hỗ trợ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này và công bố của năm liền kề trước năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách.
4. Đối với năm trong thời kỳ ổn định ngân sách, cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương đối với chính sách quy định tại khoản 1 Điều 14 của Nghị định này áp dụng nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do trung ương ban hành tương ứng từng thời kỳ.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, phân bổ nguồn ngân sách được hỗ trợ để thực hiện bảo vệ đất trồng lúa theo quy định.
Như vậy, việc hỗ trợ địa phương sản xuất lúa được thực hiện theo quy định trên.
Đất trồng lúa là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 112/2024/NĐ-CP như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính, đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại.
a) Đất chuyên trồng lúa là đất trồng hai vụ lúa nước trở lên trong năm;
b) Đất trồng lúa còn lại là đất trồng một vụ lúa nước trong năm và đất trồng lúa nương.
Tại khoản 1 Điều 182 Luật Đất đai 2024 cũng có quy định:
Đất trồng lúa
1. Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại. Đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên.
Như vậy, đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác nhưng trồng lúa là chính.
Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại.