Nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa quy định như thế nào?

Nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa quy định như thế nào? Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Đất trồng lúa là như thế nào?

    Trước đây, theo khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Nghị định 35/2015/NĐ-CP (đã hết hiệu lực) thì đất trồng lúa là đất có các điều kiện phù hợp để trồng lúa, bao gồm đất chuyên trồng lúa nước và đất trồng lúa khác. Trong đó:

    - Đất chuyên trồng lúa nước là đất trồng được hai vụ lúa nước trở lên trong năm.

    - Đất trồng lúa khác bao gồm đất trồng lúa nước còn lại và đất trồng lúa nương.

    Hiện nay, theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 112/2024/NĐ-CP định nghĩa đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính, đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại.

    - Đất chuyên trồng lúa là đất trồng hai vụ lúa nước trở lên trong năm;

    - Đất trồng lúa còn lại là đất trồng một vụ lúa nước trong năm và đất trồng lúa nương.

    Nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa quy định như thế nào? (Hình từ Internet)

    Nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa quy định như thế nào?

    Nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 112/2024/NĐ-CP, cụ thể:

    - Phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Trồng trọt 2018 như sau:

    + Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu;

    + Hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi;

    + Bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương;

    + Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại.

    - Chỉ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang cây trồng lâu năm đối với đất trồng lúa còn lại;

    - Không được chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao;

    - Phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa do cấp có thẩm quyền ban hành;

    - Không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi, công trình đê điều, công trình phục vụ trực tiếp sản xuất lúa;

    - Không làm ảnh hưởng đến việc canh tác đối với diện tích đất trồng lúa liền kề.

    Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được quy định như thế nào?

    Theo Điều 7 Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được quy định như sau:

    - UBND cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật, đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp huyện và đề nghị của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp cấp tỉnh, ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phạm vi toàn tỉnh theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 112/2024/NĐ-CP; thời gian ban hành trước 30 tháng 11 năm trước của năm kế hoạch.

    - UBND cấp huyện căn cứ vào Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được UBND cấp tỉnh phê duyệt, đề xuất của UBND cấp xã và đề nghị của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp cấp huyện, ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phạm vi toàn huyện theo mẫu Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 112/2024/NĐ-CP; thời gian ban hành trước ngày 15 tháng 12 năm trước của năm kế hoạch.

    - UBND cấp xã căn cứ Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng được UBND cấp huyện phê duyệt và nhu cầu chuyển đổi của người sử dụng đất trồng lúa, ban hành Kế hoạch chuyển đổi trên địa bàn xã theo mẫu Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 112/2024/NĐ-CP; thời gian ban hành trước ngày 30 tháng 12 năm trước của năm kế hoạch.

    30