Thị xã lên thành phố thuộc tỉnh thì có phải cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?
Nội dung chính
Điều kiện để thị xã lên thành phố được quy định thế nào?
Theo khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, thành phố trực thuộc tỉnh là một đơn vị hành chính cấp huyện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Điều 5 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13, khoản 20 Điều 1 Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương như sau:
(1) Quy mô dân số từ 150.000 người trở lên.
(2) Diện tích tự nhiên từ 150 km2 trở lên.
(3) Đơn vị hành chính trực thuộc:
(i) Số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc có từ 10 đơn vị trở lên;
(ii) Tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 65% trở lên.
(4) Đã được công nhận là đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III.
(5) Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Theo như nội dung đã phân tích, để thị xã được nâng lên thành phố trực thuộc tỉnh, cần đáp ứng các điều kiện sau: có dân số từ 150.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 150 km², có ít nhất 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, tỷ lệ phường chiếm từ 65% tổng số đơn vị hành chính cấp xã, và được công nhận là đô thị loại I, II hoặc III. Thêm vào đó, thị xã cần đạt các tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội theo quy định.
Thị xã lên thành phố thuộc tỉnh thì có phải cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không? (Hình từ Internet)
Thị xã lên thành phố trực thuộc tỉnh thì có phải cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?
Theo khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định 09 trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp khi thay đổi từ thị xã lên thành phố thuộc tỉnh được xem là thay đổi địa chỉ của thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận.
Như vậy, sự thay đổi địa chỉ của thửa đất khi chuyển từ thị xã lên thành phố trực thuộc tỉnh sẽ được cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cập nhật thông tin mới. Việc cấp đổi này theo nhu cầu của người sử dụng đất chứ không mang tính bắt buộc.
Năm 2025, lệ phí cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi thị xã lên thành phố trực thuộc tỉnh là bao nhiêu?
Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất là khoản thu mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất.
Lệ phí ở mỗi tỉnh sẽ khác nhau, ví dụ như theo Điều 17 Quy định mức thu, quản lý, sử dụng một số loại phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh Bình Phước ban hành kèm theo Quyết định 50/2015/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về lệ phí địa chính như sau:
STT | Nội dung | Đơn vị tính | Mức thu | |
Đối với hộ gia đình, cá nhân tại phường thuộc thị xã, thị trấn thuộc huyện | Đối với tổ chức | |||
1 | Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất | |||
1.1 | Cấp mới | đồng/lần | 100.000 | 500.000 |
1.2 | Cấp lại, cấp đổi, xác nhận bổ sung vào giấy chứng nhận | đồng/lần | 50.000 | 50.000 |
2 | Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (không có nhà và tài sản gắn liền với đất) | |||
2.1 | Cấp mới | đồng/lần | 25.000 | 100.000 |
2.2 | Cấp lại, cấp đổi, xác nhận bổ sung vào giấy chứng nhận | đồng/lần | 20.000 | 50.000 |
3 | Chứng nhận đăng ký biến động về đất đai | đồng/lần | 25.000 | 25.000 |
4 | Trích lục bản đồ địa chính, văn bản, số liệu hồ sơ địa chính | đồng/lần | 10.000 | 30.000 |
Như vậy, mức lệ phí cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi thay đổi từ thị xã lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025 sẽ được xác định theo quy định của từng tỉnh, dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương.