Thế nào là dự án đầu tư phát triển đô thị? Vi phạm quy định về đầu tư phát triển đô thị bị xử phạt như thế nào?

Thế nào là dự án đầu tư phát triển đô thị? Vi phạm quy định về đầu tư phát triển đô thị bị xử phạt như thế nào?

Nội dung chính

    Thế nào là dự án đầu tư phát triển đô thị?

    Căn cứ khoản 8 điều 2 Nghị định 11/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định 35/2023/NĐ-CP về dự án phát triển đô thị như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Nghị định này, một số từ ngữ được hiểu như sau:
    ...
    8. Dự án đầu tư phát triển đô thị bao gồm dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và dự án đầu tư xây dựng công trình trong đô thị.

    Theo quy định tại khoản 9 điều 2 Nghị định 11/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 1 Điều 4 Nghị định 35/2023/NĐ-CP quy định về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị:

    9. Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị là dự án được quy định tại khoản 15a Điều 3 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm đ khoản 1 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14.

    Dẫn chiếu đến khoản 15a Điều 3 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm đ khoản 1 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 quy định như sau: “Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị là dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở hoặc công trình xây dựng khác theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị.”

    Và tại khoản 10 điều 2 Nghị định 11/2013/NĐ-CP quy định về Dự án đầu tư xây dựng công trình trong đô thị:

    10. Dự án đầu tư xây dựng công trình trong đô thị là dự án đầu tư xây dựng mới; hoặc là mở rộng, cải tạo chỉnh trang công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật.

    Như vậy, dự án đầu tư phát triển đô thị bao gồm dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và dự án đầu tư xây dựng công trình trong đô thị.

    Thế nào là dự án đầu tư phát triển đô thị? Vi phạm quy định về đầu tư phát triển đô thị bị xử phạt như thế nào? (Hình ảnh từ internet)

    Vi phạm quy định về đầu tư phát triển đô thị bị xử phạt như thế nào?

    Căn cứ điều 14 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về đầu tư phát triển đô thị như sau:

    Vi phạm quy định về đầu tư phát triển đô thị
    1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    a) Thực hiện dự án đầu tư phát triển khu đô thị không tuân theo quy hoạch đô thị hoặc chậm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
    b) Chậm bàn giao công trình, hạng mục công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng, dự án đầu tư phát triển khu đô thị theo tiến độ đã được phê duyệt.
    2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    a) Để chủ đầu tư thứ cấp thực hiện đầu tư xây dựng không phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc tiến độ dự án đã được phê duyệt;
    b) Thay đổi chủ đầu tư cấp 1 mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản;
    c) Không tổ chức khai thác cung cấp dịch vụ đô thị đảm bảo phục vụ nhu cầu của dân cư đến ở theo đúng mục tiêu của dự án cho đến khi chuyển giao cho chính quyền hoặc các tổ chức, doanh nghiệp quản lý dịch vụ chuyên nghiệp;
    d) Không chuyển giao quản lý hành chính theo quy định;
    đ) Chủ đầu tư dự án khu đô thị không thực hiện giám sát, kiểm tra kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp người dân tự xây dựng nhà ở trong khu đô thị trái phép; sử dụng công trình sai công năng và vi phạm các quy định về sử dụng nhà ở theo Luật Nhà ở.

    Bên cạnh đó, theo điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, “Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 24; điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 59, điểm a khoản 3 Điều 64, Điều 65, khoản 1 (trừ điểm e) Điều 70 Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.”.

    Như đã nêu ở trên, mức phạt tiền vi phạm hành chính cao nhất đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm khảo sát xây dựng, nếu cá nhân là 60 triệu đồng, còn với tổ chức là 120 triệu đồng và phải khắc phục hậu quả sau vi phạm.

    UBND cấp nào có thẩm quyền xử phạt vi phạm về đầu tư phát triển đô thị?

    Căn cứ điều 79 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về thẩm quyền xử phạt vi phạm về đầu tư phát triển đô thị:

    Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
    1. Cảnh cáo.
    2. Phạt tiền đến 200.000.000 đồng.
    3. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
    4. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
    5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này.

    Theo quy định ở trên mức phạt tiền cao nhất đối với vi phạm về đầu tư phát triển đô thị là 120 triệu đồng mà UBND cấp huyện có thẩm quyền xử phạt đến 200 triệu đồng.

    Như vậy, UBND cấp huyện có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về đầu tư phát triển đô thị.

     

    19