Tham gia Công đoàn cần điều kiện gì? Trong trường hợp nào không cần phải đóng phí công đoàn?
Nội dung chính
Điều kiện tham gia Công đoàn là gì?
Căn cứ theo Điều 1 Điều lệ Công đoàn Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ năm 2020 quy định về đối đượng và điều kiện gia nhập Công đoàn Việt Nam như sau:
Đối tượng và điều kiện gia nhập Công đoàn Việt Nam
1. Người Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam và người Việt Nam lao động tự do hợp pháp, không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tín ngưỡng, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tự nguyện sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở của công đoàn, đóng đoàn phí theo quy định thì được gia nhập Công đoàn Việt Nam.
2. Khuyến khích người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người nước ngoài lao động hợp pháp tại Việt Nam, tham gia các hình thức tập hợp của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
3. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn chi tiết Điều này.
Như vậy, điều kiện tham gia Công đoàn là:
- Là người Việt Nam.
- Làm hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam
- Hoặc lao động tự do hợp pháp, không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tín ngưỡng
- Tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
- Tự nguyện sinh hoạt trong một tổ chức của công đoàn, đóng đoàn phí đầy đủ.
Điều kiện tham gia Công đoàn là gì? Khi nào không phải đóng phí công đoàn? (Hình từ Internet)
Khi nào không phải đóng phí công đoàn?
Căn cứ tại Điều 26 Luật Công đoàn 2012 quy định về tài chính công đoàn như sau:
Tài chính công đoàn
Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:
1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;
3. Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;
4. Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Ngoài ra theo khoản 6 Điều 23 Quy định quản lý tài chính, tài sản công đoàn; thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu nộp tài chính công đoàn ban hành kèm theo Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 quy định về đoàn phí như sau:
Đối tượng, mức đóng, tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí
......
6. Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 01 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí.
Như vậy, người lao động không phải đóng phí công đoàn khi:
- Người lao động không tham gia công đoàn (không phải đoàn viên công đoàn).
- Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp BHXH từ 01 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng phí công đoàn.
- Đoàn viên không có việc làm, không có thu nhập.
- Đoàn viên nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí.
Thủ tục gia nhập Công đoàn được tiến hành như thế nào?
Căn cứ Điều 3 Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ năm 2020 quy định thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam, thẻ đoàn viên và chuyển sinh hoạt công đoàn:
Thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam, thẻ đoàn viên và chuyển sinh hoạt công đoàn
1. Thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam
a. Người lao động phải có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
b. Ban chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở xem xét, quyết định công nhận hoặc kết nạp đoàn viên công đoàn.
c. Nơi chưa có tổ chức công đoàn, người lao động nộp đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam thông qua ban vận động thành lập công đoàn cơ sở theo quy định tại Điều 14 Điều lệ này, hoặc nộp đơn cho công đoàn cấp trên để được xem xét gia nhập Công đoàn Việt Nam.
d. Đoàn viên đã ra khỏi tổ chức công đoàn, nếu tiếp tục có nguyện vọng gia nhập Công đoàn Việt Nam thì phải có đơn xin gia nhập lại tổ chức Công đoàn, do công đoàn cấp trên xem xét kết nạp lại.
...
Như vậy, thủ tục gia nhập Công đoàn được tiến hành như sau:
Bước 1: Nộp đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam
Người lao động phải có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Đơn phải có chữ ký của người viết đơn. Trường hợp đơn của tập thể người lao động phải có chữ ký của từng người lao động.
Bước 2: Ban chấp hành tổ chức công đoàn cơ sở xem xét, quyết định kết nạp.
(1) Nơi đã có công đoàn cơ sở
Ban chấp hành công đoàn cơ sở nhận đơn, xem xét, quyết định kết nạp và tổ chức lễ kết nạp đoàn viên.
(2) Nơi chưa có công đoàn cơ sở
Người lao động nộp đơn xin gia nhập công đoàn cho công đoàn cấp trên nơi gần nhất hoặc ban vận động thành lập công đoàn cơ sở (nếu có).
- Trường hợp nộp đơn cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở:
+ Công đoàn cấp trên phải xem xét, quyết định việc kết nạp hoặc không kết nạp đoàn viên.
+ Giới thiệu nơi sinh hoạt cho đoàn viên khi có quyết định kết nạp.
- Trường hợp nộp đơn cho ban vận động:
+ Trong thời gian 15 ngày kể từ khi nộp đơn, nếu nơi người lao động có đơn xin gia nhập công đoàn, chưa đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở thì người lao động có quyền chuyển đơn lên công đoàn cấp trên xem xét, quyết định kết nạp đoàn viên.
+ Người lao động được giới thiệu sinh hoạt tại công đoàn cơ sở gần nơi đoàn viên đang làm việc nhất, cho đến khi công đoàn cơ sở tại nơi làm việc được thành lập.
- Trường hợp thành lập công đoàn cơ sở:
+ Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở
+ Đề nghị công đoàn cấp trên công nhận.
Bước 3: Tổ chức lễ kết nạp đoàn viên.