Các nguồn thu chi của Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
Nội dung chính
Các nguồn thu của Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 13 Quy chế tổ chức và hoạt động của Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành theo Quyết định 313/QĐ-BXD năm 2011 thì các nguồn thu của Cục Giám định bao gồm:
- Thu từ nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho các hoạt động thường xuyên;
- Thu từ nguồn kinh phí được cấp để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sự nghiệp do Bộ và các cơ quan nhà nước giao hoặc đặt hàng;
- Thu từ nguồn kinh phí được cấp để thực hiện các chương trình, đề án và các nhiệm vụ đột xuất khác được cấp có thẩm quyền giao;
- Thu từ các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, dịch vụ tư vấn về lĩnh vực quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, quản lý chất lượng và giám định chất lượng công trình xây dựng;
- Thu từ nguồn cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản để đầu tư xây mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật…
- Thu từ các nguồn tài trợ trong và ngoài nước (nếu có);
- Thu từ nguồn kinh phí cấp cho hoạt động của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng;
- Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Các nguồn thu chi của Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Hình từ Internet)
Các khoản chi của Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
Các khoản chi của Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng được quy định tại khoản 2 Điều 13 Quy chế tổ chức và hoạt động của Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành theo Quyết định 313/QĐ-BXD năm 2011, như sau:
- Chi cho các hoạt động thường xuyên;
- Chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Cục;
- Chi cho việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sự nghiệp do Bộ và các cơ quan nhà nước giao hoặc đặt hàng;
- Chi vốn đối ứng thực hiện các chương trình, dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quy định;
- Chi cho việc tổ chức thực hiện các chương trình, đề án và các nhiệm vụ đột xuất khác được cấp có thẩm quyền giao;
- Chi cho đầu tư xây dựng cơ bản;
- Chi cho các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, dịch vụ tư vấn về lĩnh vực quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, quản lý chất lượng và giám định chất lượng công trình xây dựng;
- Chi cho các hoạt động của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng;
- Các khoản chi hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng được quy định ra sao?
Căn cứ Điều 9 Quy chế tổ chức và hoạt động của Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành theo Quyết định 313/QĐ-BXD năm 2011 quy định về Cơ cấu tổ chức của Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng như sau:
(1) Cơ cấu tổ chức của Cục Giám định gồm có:
- Cục trưởng;
- Các Phó cục trưởng; Kế toán trưởng;
- Văn phòng; các phòng chuyên môn, nghiệp vụ; Văn phòng đại diện Cục Giám định tại Thành phố Hồ Chí Minh;
- Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục.
(2) Danh sách các đơn vị trực thuộc Cục Giám định:
- Văn phòng;
- Phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1;
- Phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 2;
- Phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 3;
- Văn phòng đại diện Cục Giám định tại Thành phố Hồ Chí Minh, đặt tại Cơ quan đại diện Bộ Xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Văn phòng đại diện);
- Trung tâm Công nghệ quản lý chất lượng công trình xây dựng Việt Nam (sau đây gọi tắt là Trung tâm).
(3) Thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Cục Giám định và việc thay đổi cơ cấu tổ chức của Cục Giám định:
- Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định thành lập các đơn vị trực thuộc Cục giám định quy định tại khoản 2 Điều 9 Quy chế tổ chức và hoạt động của Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành theo Quyết định 313/QĐ-BXD năm 2011 và các đơn vị khác trực thuộc Cục Giám định (nếu có) để đáp ứng với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cục theo từng giai đoạn;
- Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng đại diện và Trung tâm; Cục trưởng Cục Giám định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng và các phòng chuyên môn, nghiệp vụ;
- Tuỳ theo yêu cầu thực hiện chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Cục giám định có thể thay đổi cho phù hợp; việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể các đơn vị trực thuộc Cục Giám định do Bộ trưởng quyết định;
- Cục trưởng Cục Giám định phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ trình Bộ trưởng quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đối với Văn phòng, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và Trung tâm; phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng - Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Xây dựng tại TP. HCM trình Bộ trưởng quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể Văn phòng đại diện;
- Cục trưởng Cục Giám định phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ trình Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm; phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng - Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Xây dựng tại TP. HCM trình Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng đại diện.
(4) Cục trưởng:
- Cục trưởng là người đứng đầu Cục, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục và chịu các trách nhiệm khác của Cục trưởng được quy định tại Điều 7 Quy chế tổ chức và hoạt động của Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành theo Quyết định 313/QĐ-BXD năm 2011.
- Khi vắng mặt, Cục trưởng ủy quyền để một Phó cục trưởng điều hành các hoạt động của Cục và phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Xây dựng và trước pháp luật về việc ủy quyền của mình.
(5) Phó cục trưởng, Kế toán trưởng:
- Phó cục trưởng là người giúp việc Cục trưởng, có nhiệm vụ giúp Cục trưởng chỉ đạo thực hiện một hoặc một số công tác của Cục, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về những nhiệm vụ được phân công phụ trách; khi Cục trưởng vắng mặt, một Phó cục trưởng được Cục trưởng uỷ quyền điều hành các hoạt động của Cục.
- Kế toán trưởng là người giúp Cục trưởng tổ chức thực hiện công tác tài chính, kế toán của Cục theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán; tiêu chuẩn tuyển chọn, bổ nhiệm và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cụ thể của Kế toán trưởng thực hiện theo quy định của pháp luật đối với chức danh Kế toán trưởng trong các cơ quan hành chính nhà nước.
(6) Văn phòng và các phòng chuyên môn, nghiệp vụ
- Văn phòng và các phòng chuyên môn, nghiệp vụ là các đơn vị có chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng Cục Giám định thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước của Cục đã được Bộ trưởng giao;
- Văn phòng có Chánh Văn phòng, các Phó Văn phòng và các công chức chuyên môn, nghiệp vụ; các phòng có Trưởng phòng, các Phó trưởng phòng và các công chức chuyên môn, nghiệp vụ;
- Chánh Văn phòng, Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng về quản lý, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được giao theo pháp luật, Quy chế Tổ chức và hoạt động và các Quy chế nội bộ khác của Cục Giám định.
(7) Văn phòng đại diện:
- Văn phòng đại diện có chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng Cục Giám định và Vụ trưởng - Trưởng cơ quan đại diện tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn các tỉnh phía Nam;
- Văn phòng đại diện có Trưởng Văn phòng đại diện, các Phó Văn phòng đại diện và các công chức chuyên môn, nghiệp vụ;
- Trưởng Văn phòng đại diện chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Giám định, Vụ trưởng - Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Xây dựng tại TP. HCM về quản lý, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được giao theo pháp luật, Quy chế Tổ chức và hoạt động, các Quy chế nội bộ khác của Cục Giám định và của Cơ quan đại diện Bộ Xây dựng tại TP. HCM.
(8) Trung tâm:
- Trung tâm là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Cục Giám định, có chức năng giúp Cục trưởng tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ hoạt động sự nghiệp, dịch vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước của Cục;
- Trung tâm được khắc con dấu theo mẫu quy định để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo sự uỷ quyền, phân cấp quản lý tài chính kế toán của Cục trưởng Cục Giám định và các quy định của pháp luật có liên quan;
- Trung tâm có Giám đốc, một số Phó giám đốc và các bộ phận hoặc phòng chuyên môn, nghiệp vụ;
- Giám đốc Trung tâm chịu trách nhiệm trước Cục trưởng về quản lý, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được giao theo pháp luật, Quy chế Tổ chức và hoạt động và các Quy chế nội bộ khác của Cục Giám định;
- Cục trưởng Cục Giám định quyết định thành lập các phòng chuyên môn, nghiệp vụ trực thuộc Trung tâm phù hợp với kế hoạch phát triển Trung tâm theo từng giai đoạn.