Tách thửa đất không có sơ đồ, cần làm thêm thủ tục gì?
Nội dung chính
Tách thửa đất không có sơ đồ, cần làm thêm thủ tục gì?
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 39 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT:
Điều 39. Sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất trên Giấy chứng nhận
1. Sơ đồ thửa đất được thể hiện như sau:
...
b) Những trường hợp không thể hiện sơ đồ thửa đất gồm:
- Giấy chứng nhận cấp cho nhiều thửa đất nông nghiệp;
- Giấy chứng nhận cấp cho công ty nông, lâm nghiệp, trừ trường hợp thửa đất sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở của công ty;
- Giấy chứng nhận cấp cho toàn bộ diện tích đất để thực hiện dự án bất động sản;
- Đối tượng địa lý hình tuyến. Ví dụ: “Đường giao thông, đường dẫn điện, đường dẫn nước của tổ chức đầu tư xây dựng theo hình thức BOT”.
...
Bên cạnh đó căn cứ theo điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị định 101/2024/NĐ-CP:
Điều 7. Trình tự, thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất
...
3. Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ, đối chiếu quy định tại Điều 220 của Luật Đất đai để xác định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất; kiểm tra các thông tin về người sử dụng đất, ranh giới, diện tích, loại đất của các thửa đất trên hồ sơ lưu trữ, hồ sơ do người sử dụng đất nộp và thực hiện như sau:
a) Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trả hồ sơ cho người sử dụng đất và thông báo rõ lý do;
b) Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất nhưng Giấy chứng nhận đã cấp không có sơ đồ thửa đất hoặc có sơ đồ thửa đất nhưng thiếu kích thước các cạnh hoặc diện tích và kích thước các cạnh không thống nhất thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trả hồ sơ và thông báo rõ lý do cho người sử dụng đất để thực hiện đăng ký biến động đất đai;
c) Trường hợp hồ sơ không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận đủ điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất kèm các thông tin thửa đất vào Đơn đề nghị tách thửa đất, hợp thửa đất, đồng thời xác nhận vào Bản vẽ tách thửa đất, hợp thửa đất để hoàn thiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với các thửa đất sau tách thửa, hợp thửa, trừ trường hợp Bản vẽ tách thửa đất, hợp thửa đất do Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện;
d) Thông tin chính thức của các thửa đất sau tách thửa, hợp thửa chỉ được xác lập và chỉnh lý vào bản đồ địa chính sau khi người sử dụng đất thực hiện đăng ký biến động và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho thửa đất sau tách thửa, hợp thửa.
...
Mặc dù pháp luật hiện hành cho phép một số trường hợp sổ đỏ không cần có sơ đồ thửa đất, tuy nhiên, nếu người sử dụng đất muốn tách thửa mà trong sổ đỏ không có sơ đồ thửa đất, thì:
Trong 3 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận đủ hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh sẽ trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do.
Người sử dụng đất cần thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai để cập nhật sơ đồ thửa đất trước khi tiếp tục thực hiện việc tách thửa.
Vì vậy, khi thực hiện các thủ tục có liên quan như tách thửa, nếu sổ đỏ chưa có sơ đồ thửa đất thì người dân cần thực hiện thêm thủ tục đăng ký biến động đất đai.
Trên đây là nội dung về Tách thửa đất không có sơ đồ, cần làm thêm thủ tục gì?
Tách thửa đất không có sơ đồ, cần làm thêm thủ tục gì? (Hình từ Internet)
Hồ sơ đề nghị tách thửa đất, hợp thửa đất bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 101/2024/NĐ-CP:
Trình tự, thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất
1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 21 của Nghị định này, hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị tách thửa đất, hợp thửa đất theo Mẫu số 01/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản vẽ tách thửa đất, hợp thửa đất lập theo Mẫu số 02/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này do Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện hoặc do đơn vị đo đạc có Giấy phép về hoạt động đo đạc, thành lập bản đồ địa chính thực hiện;
c) Giấy chứng nhận đã cấp hoặc bản sao Giấy chứng nhận đã cấp kèm bản gốc để đối chiếu hoặc nộp bản sao có công chứng, chứng thực;
d) Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền có thể hiện nội dung tách thửa đất, hợp thửa đất (nếu có).
Theo quy định trên, hồ sơ đề nghị tách thửa đất, hợp thửa đất cần có:
- Đơn đề nghị tách thửa đất, hợp thửa đất: Thực hiện theo Mẫu số 01/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP.
- Bản vẽ tách thửa đất, hợp thửa đất: Được lập theo Mẫu số 02/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP, do Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc đơn vị đo đạc có Giấy phép hoạt động đo đạc và thành lập bản đồ địa chính thực hiện.
- Giấy chứng nhận đã cấp hoặc bản sao Giấy chứng nhận đã cấp kèm bản gốc để đối chiếu hoặc nộp bản sao có công chứng, chứng thực.
- Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền: Những văn bản này phải thể hiện nội dung liên quan đến việc tách thửa đất, hợp thửa đất (nếu có).
Ai là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất được giao quản lý?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Luật Đất đai 2024:
Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất được giao quản lý bao gồm:
(1) Người đại diện của tổ chức chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất trong các trường hợp sau đây:
- Tổ chức trong nước được giao quản lý công trình công cộng và hành lang bảo vệ an toàn các công trình theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức trong nước được giao quản lý đất có mặt nước của các sông và đất có mặt nước chuyên dùng;
- Tổ chức trong nước được giao quản lý quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tổ chức kinh tế được giao quản lý diện tích đất để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
(2) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không thành lập đơn vị hành chính cấp xã chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao quản lý, đất chưa giao, đất chưa cho thuê tại địa phương.
(3) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất chưa sử dụng tại các đảo chưa giao cho đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quản lý.
(4) Người đại diện cho cộng đồng dân cư là người chịu trách nhiệm đối với đất được giao cho cộng đồng dân cư quản lý.