Sơ đồ tài sản gắn liền với đất được thể hiện trên Giấy chứng nhận như thế nào?
Nội dung chính
Sơ đồ tài sản gắn liền với đất được thể hiện trên Giấy chứng nhận như thế nào?
Căn cứ theo mục 2 của Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định sơ đồ tài sản gắn liền với đất thể hiện trên Giấy chứng nhận cụ thể như sau:
- Sơ đồ tài sản gắn liền với đất được thể hiện bằng đường nét đứt liên tục trên sơ đồ thửa đất tại vị trí tương ứng với thực địa.
+ Trường hợp ranh giới tài sản gắn liền với đất trùng với ranh giới thửa đất thì ưu tiên thể hiện ranh giới thửa đất (Hình 6 và Hình 7);
- Sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ căn hộ) thể hiện phạm vi chiếm đất của nhà ở và công trình xây dựng (là phạm vi chiếm đất tại vị trí tiếp xúc với mặt đất theo mép ngoài tường bao) của nhà ở, công trình xây dựng như sau:
+ Đối với nhà ở và các loại nhà khác thì sơ đồ nhà ở thể hiện vị trí, hình dáng, kích thước mặt bằng xây dựng của tầng 1 (tầng trệt) tại vị trí tiếp xúc với mặt đất theo mép ngoài tường bao của nhà: không thể hiện sơ đồ chi tiết bên trong nhà đó (Hình 6 và Hình 7).
+ Trường hợp nhà chung tường, nhờ tường thì thể hiện sơ đồ theo ranh giới thửa đất; có ký hiệu bằng mũi tên một chiều đối với trường hợp nhờ tường hoặc bằng mũi tên hai chiều đối với trường hợp chung tường (Hình 6);
+ Đối với các loại công trình xây dựng khác thì thể hiện vị trí, hình dáng, kích thước mặt bằng của công trình tại phần tiếp xúc với mặt đất theo mép ngoài của công trình;
- Sơ đồ căn hộ thể hiện sơ đồ mặt bằng của tầng nhà chung cư có căn hộ (gồm hình dáng mặt bằng, vị trí cầu thang, hành lang); vị trí, hình dáng mặt bằng của căn hộ bằng đường nét liền, đậm (không thể hiện sơ đồ chi tiết bên trong căn hộ), mũi tên ký hiệu cửa ra vào, kích thước các cạnh của căn hộ (Hình 8);
- Ranh giới và các thông tin về thửa đất thể hiện theo quy định lại mục 1 của Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.
+ Kích thước các cạnh của đường ranh giới tài sản gắn liền với đất thể hiện theo đơn vị mét (m). được làm tròn đến hai (02) chữ số thập phân.
+ Tên loại tài sản gắn liền với đất (nhà ở, nhà xưởng, trụ sở, cửa hàng, ...) được ghi chú ở khoảng giữa của sơ đồ tài sản thống nhất với ký hiệu bản đồ địa chính.
Hình 6. Sơ đồ thửa đất có nhà ở riêng lẻ chung tường và nhờ tường
Hình 7. Sơ đồ thửa đất có công trình xây dựng
Hình 8. Sơ đồ thửa đất có căn hộ chung cư
Như vậy, sơ đồ tài sản gắn liền với đất trên Giấy chứng nhận được thể hiện theo như quy định trên.
Sơ đồ tài sản gắn liền với đất được thể hiện trên Giấy chứng nhận như thế nào? (Hình từ Internet)
Sơ đồ nhà ở trong hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận?
Căn cứ theo mục 3 Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng trong hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận như sau:
- Sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng trong hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận được thể hiện theo hướng dẫn lại mục 1 và mục 2 của Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.
- Đối với nhà ở và các loại nhà khác có nhiều tầng mà diện tích mặt bằng của các tầng không giống nhau thì thể hiện theo hướng dẫn tại mục 1 và mục 2 của Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư 10/2024/TT-BTNMT và hướng dẫn bổ sung (Hình 9) như sau:
+ Thể hiện sơ đồ mặt bằng của tầng 1 trên sơ đồ thửa đất tại vị trí tương ứng với thực địa;
+ Thể hiện sơ đồ của các tầng có hình dáng và diện tích mặt bằng khác với tầng 1 bằng nét đứt và sơ đồ của tầng 1 bằng đường nét chấm;
+ Trường hợp nhiều tầng có hình dáng và diện tích mặt bằng giống nhau thì thể hiện chung trong một sơ đồ và ghi chú số hiệu của các tầng đó.
Hình 9. Sơ đồ nhà 5 tầng có diện tích sàn tầng 1 khác diện tích sàn tầng 2, 3, 4; diện tích sàn tầng 5 khác với các tầng dưới
Như vậy, sơ đồ nhà ở thể hiện trong hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo như quy định trên.
Ai lập và quản lý sổ cấp Giấy chứng nhận?
Căn cứ theo Điều 20 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định:
Sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
Sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi là sổ cấp Giấy chứng nhận) được lập để theo dõi, quản lý việc cấp Giấy chứng nhận như sau:
1. Cơ quan có chức năng quản lý đất đai lập và quản lý sổ cấp Giấy chứng nhận đối với các trường hợp được cấp Giấy chứng nhận lần đầu.
2. Văn phòng đăng ký đất đai lập và quản lý sổ cấp Giấy chứng nhận đối với người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận của cơ quan mình.
3. Sổ cấp Giấy chứng nhận được lập theo Mẫu số 02/ĐK của Phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư này.
Như vậy, sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được chia ra 2 trường hợp do 2 cơ quan có thẩm quyền như sau:
- Đối với các trường hợp được cấp Giấy chứng nhận lần đầu thì Cơ quan có chức năng quản lý đất đai lập và quản lý sổ cấp Giấy chứng nhận
- Đối với người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận của cơ quan mình thì Văn phòng đăng ký đất đai lập và quản lý sổ cấp Giấy chứng nhận.