Sổ đỏ bị ghi chép, đánh dấu vào có bị mất giá trị không?

Năm 2025, Sổ đỏ được cấp cho những đối tượng nào? Năm 2025, trên Sổ đỏ thể hiện những nội dung gì? Sổ đỏ bị ghi chép, đánh dấu vào có bị mất giá trị không?

Nội dung chính

    Năm 2025, Sổ đỏ được cấp cho những đối tượng nào?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2024, Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

    Bên cạnh đó, Điều 4 Luật Đất đai 2024 quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp Sổ đỏ mà chưa được Nhà nước cấp Sổ đỏ; nhận quyền sử dụng đất; thuê lại đất theo quy định của Luật Đất đai 2024, bao gồm:

    (1) Tổ chức trong nước gồm:

    - Cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, đơn vị vũ trang nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;

    - Tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đầu tư, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này (sau đây gọi là tổ chức kinh tế);

    (2) Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc;

    (3) Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (sau đây gọi là cá nhân);

    (4) Cộng đồng dân cư;

    (5) Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;

    (6) Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài;

    (7) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

    Đồng thời, khoản 1 Điều 26 Luật Đất đai 2024 cũng nêu rõ các đối tượng người sử dụng đất tại (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7) nêu trên có quyền được cấp Sổ đỏ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

    Trước đây, Luật Đất đai 2013 (hết hiệu lực ngày 1/8/2024) còn quy định một đối tượng người sử dụng đất được cấp Sổ đỏ là hộ gia đình (khoản 2 Điều 5 Luật Đất đai 2013). Tuy nhiên, hiện nay, đối tượng hộ gia đình sử dụng đất chỉ còn được cấp Sổ đỏ trong trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 1/8/2024 (ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành) (căn cứ khoản 1 Điều 259, điểm a khoản 1 Điều 37 và khoản 1 Điều 26 Luật Đất đai 2024).

    Như vậy, năm 2025, đối tượng được cấp Sổ đỏ là những người sử dụng đất tại (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7) và hộ gia đình sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 1/8/2024.

    Sổ đỏ bị ghi chép, đánh dấu vào có bị mất giá trị không?

    Sổ đỏ bị ghi chép, đánh dấu vào có bị mất giá trị không? (Hình từ Internet)

    Năm 2025, trên Sổ đỏ thể hiện những nội dung gì?

    Theo khoản 1 Điều 29 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT, mẫu Sổ đỏ mới hiện nay gồm một (01) tờ có hai (02) trang, in nền hoa văn trống đồng, màu hồng cánh sen, có kích thước 210 mm x 297 mm, có Quốc huy, Quốc hiệu, dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”, số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 08 chữ số, dòng chữ “Thông tin chi tiết được thể hiện tại mã QR”, số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận (được gọi là phôi Giấy chứng nhận).

    Đồng thời, tại khoản 2 Điều 29 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định trên mẫu Sổ đỏ được cấp hiện nay sẽ thể hiện những nội dung sau:

    (1) Trang 1 gồm: Quốc huy, Quốc hiệu; dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” in màu đỏ; mã QR; mã Giấy chứng nhận; mục “1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất:”; mục “2. Thông tin thửa đất:”; mục “3. Thông tin tài sản gắn liền với đất:”; địa danh, ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký Giấy chứng nhận; số phát hành Giấy chứng nhận (số seri); dòng chữ “Thông tin chi tiết được thể hiện tại mã QR”;

    (2) Trang 2 gồm: mục “4. Sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất:”; mục “5. Ghi chú:”; mục “6. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận:”; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận; nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận;

    (3) Nội dung và hình thức thể hiện thông tin cụ thể trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo Mẫu số 04/ĐK-GCN (Xem mẫu Tại đây) của Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.

    Sổ đỏ bị ghi chép, đánh dấu vào có bị mất giá trị không?

    Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 27 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất như sau:

    - Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất mà không thuộc các trường hợp quy định tại (2).

    - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp khai báo không trung thực việc sử dụng đất hoặc tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất dẫn đến việc cấp Giấy chứng nhận và việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất bị sai lệch mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    - Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng.

    Theo đó, chỉ những hành vi ghi chép, đánh dấu vào Sổ đỏ mà làm sai lệch nội dung Sổ đỏ trong việc sử dụng đất mới bị xử phạt hành chính. Việc ghi chép, đánh dấu vào Sổ đỏ mà không làm sai lệch nội dung Sổ đỏ sẽ không bị xử phạt.

    Đồng thời, pháp luật hiện hành cũng không có bất kỳ quy định nào nêu rằng việc ghi chép, đánh dấu vào Sổ đỏ sẽ làm mất đi giá trị pháp lý của Sổ đỏ đó. Do đó, việc ghi chép, đánh dấu vào Sổ đỏ để tránh bị làm giả hoặc tránh bị nhầm lẫn sẽ không làm ảnh hưởng tới giá trị của Sổ đỏ.

    Như vậy, Sổ đỏ bị ghi chép, đánh dấu vào sẽ không bị mất giá trị. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu việc ghi chép, đánh dấu vào Sổ đỏ mà làm sai lệch nội dung Sổ đỏ thì người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính theo quy định.

    31