Thứ 5, Ngày 14/11/2024

Sinh viên thuê nhà không đăng ký tạm trú bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?

Sinh viên thuê nhà không đăng ký tạm trú bị phạt hành chính bao nhiêu tiền? Thủ tục đăng ký tạm trú khi sinh viên thuê nhà diễn ra như thế nào?

Nội dung chính

    Sinh viên thuê nhà không đăng ký tạm trú bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Luật Cư trú 2020 cũng có quy định về nơi cư trú của công dân cụ thể như sau:

    Nơi cư trú của công dân
    1. Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú.
    2. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này.
    Theo đó, nơi cư trú của công dân được hiểu là nơi nơi ở hiện tại của công dân, có thể là nơi thường trú hoặc tạm trú.

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về mức phạt hành chính đói với các hành vi vi phạm về đăng ký cư trú như sau:

    Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú
    1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
    b) Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
    c) Không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
    2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Tẩy xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú;
    b) Mua, bán, thuê, cho thuê sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;
    c) Mượn, cho mượn hoặc sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;
    d) Đã cư trú tại chỗ ở hợp pháp mới, đủ điều kiện đăng ký cư trú nhưng không làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật;
    đ) Kinh doanh lưu trú, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú không thực hiện thông báo việc lưu trú từ 01 đến 03 người lưu trú;
    e) Tổ chức kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú;
    g) Cầm cố, nhận cầm cố sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ, tài liệu về cư trú;
    h) Hủy hoại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ, tài liệu về cư trú.

    Như vậy, sinh viên thuê nhà nếu không thực hiện đúng quy định về việc đăng ký tạm trú sẽ bị phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài ra, nếu sinh viên đã cư trú ở nơi hợp pháp mới, đủ điều kiện đăng ký tạm trú mà không làm thủ tục đăng ký tạm trú sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

    Lưu ý: Mức phạt tiền trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền sẽ được áp dụng gấp đôi. (khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

    Sinh viên thuê nhà không đăng ký tạm trú bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?

    Sinh viên thuê nhà không đăng ký tạm trú bị phạt hành chính bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)

    Thủ tục đăng ký tạm trú khi sinh viên thuê nhà diễn ra như thế nào?

    Hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú khi sinh viên thuê nhà diễn ra theo quy định tại Điều 28 Luật Cư trú 2020 diễn ra như sau:

    - Hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:

    + Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (đối với người chưa thành niên, cần có ý kiến đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản).

    + Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.

    - Sinh viên thuê nhà nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký cư trú tại nơi mình tạm trú. Cơ quan tiếp nhận sẽ kiểm tra hồ sơ và cấp phiếu tiếp nhận. Nếu hồ sơ thiếu, cơ quan sẽ hướng dẫn bổ sung. Trong vòng 3 ngày làm việc, cơ quan sẽ thẩm định hồ sơ, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký. Nếu không đủ điều kiện, cơ quan sẽ thông báo lý do bằng văn bản.

    - Gia hạn tạm trú: Công dân cần làm thủ tục gia hạn trước khi hết hạn tạm trú ít nhất 15 ngày. Hồ sơ gia hạn cũng bao gồm tờ khai và giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp. Sau khi thẩm định, cơ quan đăng ký cư trú sẽ cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu và thông báo cho người đăng ký về kết quả. Nếu từ chối gia hạn, cơ quan sẽ giải thích lý do bằng văn bản.

    Những lưu ý về tiền đặt cọc cho sinh viên thuê nhà

    Tiền đặt cọc khi sinh viên thuê nhà được quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

    Đặt cọc
    1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
    2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Theo đó, khi thuê trọ, sinh viên cần lưu ý về tiền đặt cọc bao gồm:

    - Khi hợp đồng thuê nhà được giao kết, chủ nhà phải trả lại tiền cọc cho sinh viên hoặc trừ vào tiền nhà để thực hiện nghĩa vụ trả tiền

    - Nếu sinh viên thuê nhà đã đặt cọc nhưng không thuê nhà nữa thì tiền cọc sẽ thuộc về chủ nhà.

    - Nếu đã nhận cọc mà chủ nhà không muốn cho thuê nữa thì sinh viên thuê nhà sẽ nhận lại tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp 2 bên có thỏa thuận khác.

    19