Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp tỉnh từ 01/7/2025 theo Quyết định 2304
Nội dung chính
Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp tỉnh từ 01/7/2025 theo Quyết định 2304
Ngày 23/06/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Quyết định 2304/QĐ-BNNMT về việc công bố thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp tỉnh từ 01/7/2025?
Căn cứ theo Phần 2 Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 2304/QĐ-BNNMT:
Bước 1: Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai nộp đơn đến Trung tâm Phục vụ hành chính công hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trường hợp Trung tâm Phục vụ hành chính công tiếp nhận hồ sơ thì chuyển hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bước 2: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn phải thông báo bằng văn bản cho các bên tranh chấp đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai về việc thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, trường hợp không thụ lý thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Giao trách nhiệm cho cơ quan tham mưu giải quyết.
Bước 3: Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
Bước 4: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành và gửi cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Trên đây là nội dung về Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp tỉnh từ 01/7/2025 theo Quyết định 2304
Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp tỉnh từ 01/7/2025 theo Quyết định 2304 (Hình từ Internet)
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai từ 01/7/2025?
Căn cứ theo quy định tại Phần VIII Nghị định 151/2025/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/7/2025)
Giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan hành chính thuộc thẩm quyền của:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Bên cạnh đó, thời gian giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan hành chính sẽ khác nhau tùy thuộc vào thẩm quyền của từng cấp giải quyết. Cụ thể như sau:
(1) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
Thời gian giải quyết: Không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Trường hợp đặc biệt: Tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, thời gian giải quyết được gia hạn thêm 10 ngày, tức tối đa 55 ngày.
(2) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Thời gian giải quyết: Không quá 50 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ.
Trường hợp đặc biệt: Với các địa bàn có điều kiện khó khăn, thời gian cũng được gia hạn thêm 10 ngày, nâng tổng thời gian tối đa lên 60 ngày.
(3) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Thời gian giải quyết: Không quá 80 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ thuộc về ai?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 236 Luật Đất đai 2024:
Điều 236. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
1. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp hoặc một trong các bên tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án giải quyết.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này thì các bên tranh chấp được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
[...]
Theo quy định trên, tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì các bên tranh chấp được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai sau đây:
- Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
- Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Tóm lại, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ thuộc về Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc Tòa án.