Quy định về việc tiếp nhận vốn viện trợ dưới dạng hàng hóa và dịch vụ như thế nào?

Tiếp nhận vốn viện trợ bằng hàng hóa và dịch vụ được quy định như thế nào? Quy định về thuế đối với các khoản viện trợ như thế nào? Kiểm toán các khoản viện trợ quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Tiếp nhận vốn viện trợ bằng hàng hóa và dịch vụ được quy định như thế nào?

    Tại Điều 24 Nghị định 80/2020/NĐ-CP tiếp nhận vốn viện trợ bằng hàng hóa và dịch vụ được quy định như sau:

    1. Việc tiếp nhận hàng viện trợ nhập khẩu từ nước ngoài được thực hiện theo Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật Quản lý thuế. Hồ sơ gửi đến cơ quan hải quan làm thủ tục thông quan hàng viện trợ nhập khẩu gồm:
    a) Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án, khoản viện trợ phi dự án và văn kiện chương trình, dự án, phi dự án: 01 bản chụp có xác nhận sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan;
    b) Hồ sơ khác theo quy định pháp luật về thủ tục hải quan.
    2. Hồ sơ hoàn thuế hoặc miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ mua trong nước bằng nguồn vốn viện trợ gửi đến cơ quan thuế gồm:
    a) Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án, khoản viện trợ phi dự án và văn kiện chương trình, dự án, phi dự án: 01 bản chụp;
    b) Giấy đề nghị xác nhận chi phí hợp lệ vốn sự nghiệp và giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư của chủ dự án theo quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước (đối với trường hợp tiếp nhận viện trợ không hoàn lại thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước).
    c) Các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật liên quan tới hoàn thuế hoặc miễn thuế.
    3. Các khoản thuế, phí và lệ phí thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về thuế, phí và lệ phí.
    4. Đối với trường hợp tiếp nhận viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước, sau khi giao nhận hàng hóa, Chủ dự án lập hồ sơ gửi Kho bạc Nhà nước để ghi thu ghi chi ngân sách nhà nước theo quy định. Hồ sơ ghi thu ghi chi gồm có:
    a) Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án, khoản viện trợ phi dự án và văn kiện chương trình, dự án, phi dự án: 01 bản chụp có xác nhận sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan;
    b) Giấy đề nghị ghi thu, ghi chi theo quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước;
    c) Trường hợp hàng hóa nhập khẩu: Hợp đồng, vận đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương, hóa đơn thương mại hoặc tờ khai hàng hóa nhập khẩu đối với trường hợp không có hóa đơn thương mại: 01 bản chụp có xác nhận sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan. Trường hợp hàng hóa mua trong nước: Hợp đồng mua bán, hóa đơn thuế giá trị gia tăng, biên bản bàn giao hàng hóa: 01 bản chụp có xác nhận sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan;
    d) Quyết định giao dự toán vốn viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước hoặc dự toán điều chỉnh bổ sung trong năm của cấp có thẩm quyền.
    5. Kho bạc Nhà nước thực hiện hạch toán ghi thu ghi chi giá hàng hóa nhập khẩu là giá không bao gồm các khoản thuế, phí, và lệ phí theo quy định.
    6. Quản lý tài sản đối với tài sản của khoản viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước: thực hiện theo quy định của Luật Quản lý tài sản công và các văn bản hướng dẫn. Trong trường hợp có thỏa thuận khác với Bên cung cấp viện trợ, chủ dự án lấy ý kiến Bộ Tài chính trước khi thực hiện.
    7. Đối với tài sản của khoản viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước:
    a) Chủ khoản viện trợ mở sổ theo dõi riêng;
    b) Việc quản lý và sử dụng tài sản của chương trình, dự án và tài sản được hình thành từ dự án được thực hiện theo thỏa thuận với Bên cung cấp viện trợ nêu tại văn kiện dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
    c) Khi kết thúc dự án, tài sản của chương trình, dự án và tài sản hình thành từ chương trình, dự án được coi là tài sản của chủ dự án; không được mua, bán, biếu, tặng, chuyển nhượng dưới mọi hình thức;
    d) Trường hợp thay đổi chủ sở hữu hoặc chia, tách, sáp nhập, phá sản, tài sản của dự án viện trợ được chuyển cho một tổ chức có chức năng tương tự theo quy định của cấp có thẩm quyền để tiếp tục thực hiện chương trình, dự án (nếu chương trình, dự án chưa kết thúc) hoặc được chuyển lại cho cơ quan chủ quản trên cơ sở ý kiến chấp thuận của cơ quan chủ quản. Trong trường hợp không thực hiện được theo các phương án trên, cơ quan chủ quản có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính để có phương án xử lý.

    Những quy định này nhằm đảm bảo quản lý, sử dụng hiệu quả và đúng pháp luật các khoản viện trợ bằng hàng hóa và dịch vụ.

    Quy định về việc tiếp nhận vốn viện trợ dưới dạng hàng hóa và dịch vụ như thế nào? (Hình từ Internet)

    Quy định về thuế đối với các khoản viện trợ như thế nào?

    Theo Điều 25 Nghị định 80/2020/NĐ-CP quy định về thuế đối với các khoản viện trợ như sau:

    Thuế đối với các khoản viện trợ thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

    Kiểm toán các khoản viện trợ quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 26 Nghị định 80/2020/NĐ-CP kiểm toán các khoản viện trợ quy định như sau:

    - Viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước là đối tượng của kiểm toán nhà nước.

    - Viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước: thực hiện kiểm toán độc lập theo yêu cầu của Bên cung cấp viện trợ.

    12