Quy định về thủ tục tách thửa đất đối với người dân thực hiện như thế nào?
Nội dung chính
Mất sổ đỏ thì tách thửa đất như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 220 Luật Đất đai 2024, một trong những điều kiện để thực hiện tách thửa đất là thửa đất đó đã được cấp một trong các loại giấy chứng nhận: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Sổ đỏ).
Bên cạnh đó, tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định 101/2024/NĐ-CP cũng nêu rõ trong hồ sơ xin tách thửa đất phải có Sổ đỏ đã cấp hoặc bản sao Sổ đỏ đã cấp kèm bản gốc để đối chiếu hoặc nộp bản sao có công chứng, chứng thực.
Theo đó, nếu mất Sổ đỏ, người sử dụng đất sẽ không thể thực hiện thủ tục tách thửa bởi vì trong hồ sơ xin tách thửa yêu cầu phải có Sổ đỏ đã cấp hoặc bản sao Sổ đỏ đã cấp kèm bản gốc để đối chiếu hoặc bản sao có công chứng, chứng thực (khi thực hiện công chứng, chứng thực bản sao thì cần phải có Sổ đỏ bản gốc), trừ trường hợp người sử dụng đất mất Sổ đỏ sau khi đã thực hiện công chứng, chứng thực bản sao Sổ đỏ đó.
Như vậy, nếu mất Sổ đỏ người sử dụng đất sẽ không thể thực hiện thủ tục tách thửa đất, trừ trường hợp Sổ đỏ bị mất sau khi đã thực hiện công chứng, chứng thực bản sao Sổ đỏ, lúc này có thể dùng bản sao Sổ đỏ đã công chứng, chứng thực để thực hiện thủ tục tách thửa đất.
Quy định về thủ tục tách thửa đất đối với người dân thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)
Người thừa kế đất ở còn nợ tiền sử dụng đất có thể tiến hành tách thửa đất mà chưa thanh toán khoản nợ này không?
Căn cứ khoản 4 và khoản 5 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định:
Người nhận thừa kế được thực hiện quyền đối với đất khi có một trong các giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất hoặc điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định.
Người sử dụng đất được ghi nợ tiền sử dụng đất thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, quy định này không áp dụng hạn chế đối với việc tách thửa. Người thừa kế đang ghi nợ tiền sử dụng đất vẫn có thể thực hiện quyền tách thửa, miễn là họ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận theo quy định pháp luật.
Quy định về thủ tục tách thửa đất đối với người dân thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định thủ tục tách thửa đất theo Luật đất đai 2024 gồm các bước như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ:
- Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;
- Văn phòng đăng ký đất đai;
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Hồ sơ bao gồm:
(1) Đơn đề nghị tách thửa đất theo Mẫu số 01/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP.
(2) Bản vẽ tách thửa đất lập theo Mẫu số 02/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP do Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện hoặc do đơn vị đo đạc có Giấy phép về hoạt động đo đạc, thành lập bản đồ địa chính thực hiện;
(3) Giấy chứng nhận đã cấp hoặc bản sao Giấy chứng nhận đã cấp kèm bản gốc để đối chiếu hoặc nộp bản sao có công chứng, chứng thực;
(4) Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền có thể hiện nội dung tách thửa đất (nếu có)
Bước 2: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người nộp hồ sơ.
Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ là Bộ phận Một cửa thì chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 3: Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ, đối chiếu quy định tại Điều 220 Luật Đất đai 2024:
- Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện: trả hồ sơ cho người sử dụng đất và thông báo rõ lý do trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ;
- Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng Giấy chứng nhận đã cấp không có sơ đồ thửa đất hoặc có sơ đồ thửa đất nhưng thiếu kích thước các cạnh hoặc diện tích và kích thước các cạnh không thống nhất: trả hồ sơ và thông báo rõ lý do cho người sử dụng đất để thực hiện đăng ký biến động đất đai trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ;
- Trường hợp hồ sơ không thuộc hai trường hợp trên: trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai phải:
+ Xác nhận đủ điều kiện tách thửa đất kèm các thông tin thửa đất vào Đơn đề nghị tách thửa đất.
+ Xác nhận vào Bản vẽ tách thửa đất để hoàn thiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với các thửa đất sau tách thửa, trừ trường hợp Bản vẽ tách thửa đất do Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện;
- Thông tin chính thức của các thửa đất sau tách thửa chỉ được xác lập và chỉnh lý vào bản đồ địa chính sau khi người sử dụng đất thực hiện đăng ký biến động và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho thửa đất sau tách thửa.
Bước 4:
Trường hợp tách thửa đất mà không thay đổi người sử dụng đất: Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện:
- Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;
- Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho các thửa đất sau khi tách thửa đất;
- Trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người được cấp.
Trường hợp tách thửa đất mà có thay đổi người sử dụng đất: thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Điều 37, Điều 43 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.