Quận Bình Thạnh gần những quận nào? Quận Bình Thạnh đổi tên thành gì sau sáp nhập tỉnh?

Chuyên viên pháp lý: Cao Thanh An
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Quận Bình Thạnh gần những quận nào? Quận Bình Thạnh đổi tên thành gì sau sáp nhập tỉnh? Sáp nhập xã phường có cần thay đổi giấy tờ đất không?

Nội dung chính

Quận Bình Thạnh gần những quận nào?

Quận Bình Thạnh gần những quận nào là câu hỏi thường gặp đối với những người mới sinh sống, làm việc hoặc tìm hiểu về địa lý hành chính TP. Hồ Chí Minh. Tọa lạc ở phía Bắc nội thành, Quận Bình Thạnh được xem là điểm giao thoa giữa trung tâm và các khu vực ngoại thành, có vị trí chiến lược và liên kết thuận tiện với nhiều quận lân cận.

Cụ thể:

- Phía Đông, Quận Bình Thạnh giáp Thành phố Thủ Đức, với ranh giới tự nhiên là sông Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giao thông qua cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm.

- Phía Tây, quận này giáp Quận Phú Nhuận và Quận Gò Vấp, là những khu vực dân cư đông đúc, có hệ thống giao thông huyết mạch như đường Phan Đăng Lưu, Lê Quang Định, Nơ Trang Long…

- Phía Nam, Quận Bình Thạnh tiếp giáp Quận 1 – trung tâm hành chính và thương mại của thành phố. Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là ranh giới tự nhiên giữa hai khu vực, đồng thời cũng là trục cảnh quan đô thị quan trọng.

- Phía Bắc, quận tiếp tục giáp Thành phố Thủ Đức (qua sông Sài Gòn) và Quận 12 (qua sông Vàm Thuật), giúp mở rộng kết nối ra các khu vực phía Bắc thành phố.

Tóm lại, Quận Bình Thạnh tiếp giáp với các quận Phú Nhuận, Gò Vấp, Quận 1 và TP Thủ Đức.

Lưu ý: Thông tin trên là thông tin ghi nhận trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP.HCM chỉ mang tính chất tham khảo.

Quận Bình Thạnh gần những quận nào? Quận Bình Thạnh đổi tên thành gì sau sáp nhập tỉnh?

Quận Bình Thạnh gần những quận nào? Quận Bình Thạnh đổi tên thành gì sau sáp nhập tỉnh? (Hình từ Internet)

Quận Bình Thạnh đổi tên thành gì sau sáp nhập tỉnh?

Căn cứ khoản 42 -46 Điều 1 Nghị quyết 1685/NQ-UBTVQH15 sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh về sáp nhập xã phường Quận Bình Thạnh TPHCM như sau:

Điều 1. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh
[...]
42. Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 1, Phường 2, Phường 7 và Phường 17 (quận Bình Thạnh) thành phường mới có tên gọi là phường Gia Định.
43. Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 12 và Phường 14 (quận Bình Thạnh), Phường 26 thành phường mới có tên gọi là phường Bình Thạnh.
44. Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 5, Phường 11 và Phường 13 (quận Bình Thạnh) thành phường mới có tên gọi là phường Bình Lợi Trung.
45. Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 19, Phường 22 và Phường 25 thành phường mới có tên gọi là phường Thạnh Mỹ Tây.
46. Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 27 và Phường 28 thành phường mới có tên gọi là phường Bình Quới.
[...]

Quận Bình Thạnh đổi tên thành gì sau sáp nhập tỉnh? Như vậy, Quận Bình Thạnh TPHCM sau sáp nhập tỉnh xã còn 5 phường mới có tên gọi lần lượt là phường Gia Định, phường Bình Thạnh, phường Bình Lợi Trung, phường Thạnh Mỹ Tây và phường Bình Quới. Về cách sáp nhập đơn vị chi tiết đã được trình bày ở trên.

Sáp nhập xã phường có cần thay đổi giấy tờ đất không?

Việc sáp nhập xã phường Quận Bình Thạnh TPHCM năm 2025 khiến không ít người dân băn khoăn: Liệu sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp trước đây phải thay đổi khi tên xã phường đều thay đổi hay không?

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai 2024 quy định về việc đăng ký biến động đối với giấy tờ đất cụ thể đối với trường hợp sau sáp nhập xã phường như sau:

Điều 133. Đăng ký biến động
1. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thay đổi sau đây:
[...]
d) Thay đổi ranh giới, mốc giới, kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu và địa chỉ của thửa đất;
[...]

Như vậy, việc sáp nhập xã phường Quận Bình Thạnh TPHCM thì giấy tờ đất sau sáp nhập cần đăng ký biến động. Quy định tại khoản 1,2 Điều 10 Nghị quyết 190/2025/QH15 về văn bản giấy tờ đất, sổ đỏ đã được cấp trước đó về hiệu lực và thời hạn như sau:

Điều 10. Văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp
1. Văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định của pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền.
2. Không được yêu cầu tổ chức, cá nhân làm thủ tục cấp đổi giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước khi các giấy tờ này chưa hết thời hạn sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
[...]

Tóm lại, sau khi sắp xếp xã phường thì giấy tờ đất, sổ đỏ chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định của pháp luật.

saved-content
unsaved-content
63