Những người phải có mặt trong quá trình thực hiện việc kê biên tài sản được quy định như thế nào?

Những người phải có mặt trong quá trình thực hiện việc kê biên tài sản được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về nội dung này?

Nội dung chính

    Những người phải có mặt trong quá trình thực hiện việc kê biên tài sản được quy định như thế nào?

    Những người phải có mặt trong quá trình thực hiện việc kê biên tài sản được quy định tại Khoản 4 Điều 128 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể bao gồm:

    a) Bị can, bị cáo hoặc người đủ 18 tuổi trở lên trong gia đình hoặc người đại diện của bị can, bị cáo;

    b) Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi có tài sản bị kê biên;

    c) Người chứng kiến.

    Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ hơn vấn đề, chúng tôi xin cung cấp thêm một số thông tin như sau:

    Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại. 

    Về thẩm quyền ra quyết định áp dụng, pháp luật hiện hành quy định những người có thẩm quyền ra quyết định bắt bị cáo để tạm giữ, tạm giam tại Khoản 1 Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh kê biên tài sản. Lệnh kê biên của những người được quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.

    Về cách thức thực hiện, chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ bảo quản. Người được giao bảo quản mà có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

    Theo đó, người tiến hành kê biên phải lập biên bản, ghi rõ tên và tình trạng từng tài sản bị kê biên. Biên bản được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật tố tụng hình sự, đọc cho những người có mặt nghe và cùng ký tên. Ý kiến, khiếu nại của những người quy định tại điểm a khoản này liên quan đến việc kê biên được ghi vào biên bản, có chữ ký xác nhận của họ và của người tiến hành kê biên.

    Biên bản kê biên được lập thành bốn bản, trong đó một bản được giao ngay cho người được quy định có mặt chứng kiến việc kê biên sau khi kê biên xong, một bản giao ngay cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi có tài sản bị kê biên, một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản đưa vào hồ sơ vụ án.

    Như vậy, xuất phát từ việc đảm bảo nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch trong tất cả các giai đoạn giải quyết vụ án hình sự nói chung, trong việc thực thi biện pháp kê biên tài sản nói riêng, pháp luật quy định các chủ thể phải có mặt để chứng kiến trực tiếp việc thi hành biện pháp kê biên tài sản là hoàn toàn hợp lý và cần thiết.

    Trên đây là nội dung tư vấn về những người phải có mặt trong quá trình thực hiện việc kê biên tài sản. Để hiểu chi tiết vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

    Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
    38
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ