Thứ 7, Ngày 02/11/2024

Những đối tượng nào được nhận quyền sử dụng đất? Nguyên tắc sử dụng đất mà người sử dụng đất phải tuân thủ là gì?

Nhận chuyển quyền sử dụng đất là gì? Muốn được sử dụng đất cần phải đáp ứng những điều kiện gì? Và khi đã được cấp đất thì sẽ có những quyền lợi và nghĩa vụ gì?

Nội dung chính

    Nhận chuyển quyền sử dụng đất là gì?

    Nhận chuyển quyền sử dụng đất là việc tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận quyền sử dụng đất từ người sử dụng đất khác bằng những hình thức khác nhau theo quy định của pháp luật.

    Tại khoản 12 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định về chuyển quyền sử dụng đất thì chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

    Theo đó, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nếu không được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất thì vẫn có quyền sử dụng đất thông qua việc nhận chuyển quyền sử dụng đất từ người khác với nhiều hình thức khác nhau, cụ thể:

    Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển quyền sử dụng đất khi chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế hoặc doanh nghiệp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định.

    Những đối tượng nào được nhận quyền sử dụng đất?

    Căn cứ theo Điều 28 Luật Đất đai 2024 thì người nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:

    (1) Cá nhân được nhận chuyển đổi quyền sử dụng đất quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Luật Đất đai 2024;

    (2) Tổ chức kinh tế, cá nhân được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

    (3) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao;

    (4) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ;

    (5) Tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất;

    (6) Tổ chức trong nước, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này;

    (7) Tổ chức trong nước, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận thừa kế quyền sử dụng đất;

    (8) Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự;

    (9) Tổ chức trong nước, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;

    (10) Tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được Nhà nước cho thuê đất;

    (11) Tổ chức trong nước, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với đất đang được sử dụng ổn định;

    (12) Tổ chức trong nước, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật; văn bản về việc chia, tách quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật đối với nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất;

    (13) Cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam;

    (14) Tổ chức trong nước là pháp nhân mới được hình thành thông qua việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi mô hình tổ chức theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc văn bản về việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi mô hình tổ chức của tổ chức kinh tế phù hợp với pháp luật được nhận quyền sử dụng đất từ các tổ chức là pháp nhân bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi.

    Như vậy, đối tượng được nhận quyền sử dụng đất, bao gồm cá nhân, tổ chức trong nước và tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài. Sự đa dạng trong các hình thức nhận quyền như chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế và các trường hợp đặc biệt khác đã phản ánh sự linh hoạt trong chính sách đất đai hiện hành.

    Lưu ý:

    - Tổ chức trong nước, cá nhân được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào nơi cư trú, nơi đóng trụ sở, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 45 và Điều 48 Luật Đất đai 2024.

    - Đối với khu vực hạn chế tiếp cận đất đai thì việc nhận quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 28 Luật Đất đai 2024 thực hiện theo trình tự, thủ tục do Chính phủ quy định.

    Những đối tượng nào được nhận quyền sử dụng đất? Nguyên tắc sử dụng đất mà người sử dụng đất phải tuân thủ là gì?

    Những đối tượng nào được nhận quyền sử dụng đất? Nguyên tắc sử dụng đất mà người sử dụng đất phải tuần thủ là gì? (Hình ảnh từ internet)

    Nguyên tắc sử dụng đất mà người sử dụng đất phải tuân thủ là gì?

    Theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai 2024 thì nguyên tắc sử dụng đất mà người sử dụng đất phải tuần thủ bao gồm:

    (1) Đúng mục đích sử dụng đất.

    (2) Bền vững, tiết kiệm, có hiệu quả đối với đất đai và tài nguyên trên bề mặt, trong lòng đất.

    (3) Bảo vệ đất, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, không được lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học làm ô nhiễm, thoái hóa đất.

    (4) Thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất liền kề và xung quanh.

    Như vậy, các nguyên tắc sử dụng đất nhấn mạnh việc sử dụng đất phải đúng mục đích, bền vững và hiệu quả. Người sử dụng đất cần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, và tránh lạm dụng hóa chất gây hại.

    Đồng thời, phải tuân thủ quyền và nghĩa vụ trong thời hạn sử dụng, đảm bảo không xâm phạm quyền lợi của người khác.

    13