Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp trong quản lý ngân sách nhà nước

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp trong quản lý ngân sách nhà nước

Nội dung chính

    Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp trong quản lý ngân sách nhà nước

    Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp trong quản lý ngân sách nhà nước được quy định tại Điều 25 Luật Ngân sách Nhà nước 2002 như sau:

    1. Căn cứ vào nhiệm vụ thu, chi ngân sách được cấp trên giao và tình hình thực tế tại địa phương, quyết định:

    a) Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, bao gồm thu nội địa, thu từ hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu, thu viện trợ không hoàn lại;

    b) Dự toán thu ngân sách địa phương, bao gồm các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%, phần ngân sách địa phương được hưởng từ các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%), thu bổ sung từ ngân sách cấp trên;

    c) Dự toán chi ngân sách địa phương, bao gồm chi ngân sách cấp mình và chi ngân sách địa phương cấp dưới, chi tiết theo các lĩnh vực chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách. Trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên có mức chi cụ thể cho các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ;

    2. Quyết định phân bổ dự toán ngân sách cấp mình:

    a) Tổng số và mức chi từng lĩnh vực;

    b) Dự toán chi ngân sách của từng cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình theo từng lĩnh vực;

    c) Mức bổ sung cho ngân sách từng địa phương cấp dưới, gồm bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu;

    3. Phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương;

    4. Quyết định các chủ trương, biện pháp để triển khai thực hiện ngân sách địa phương;

    5. Quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết;

    6. Giám sát việc thực hiện ngân sách đã được Hội đồng nhân dân quyết định;

    7. Bãi bỏ những văn bản quy phạm pháp luật về tài chính - ngân sách của Uỷ ban nhân dân cùng cấp và Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên;

    8. Đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này, còn có nhiệm vụ, quyền hạn:

    a) Quyết định việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách ở địa phương theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 của Luật này;

    b) Quyết định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương đối với phần ngân sách địa phương được hưởng từ các khoản thu quy định tại khoản 2 Điều 30 của Luật này và các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách ở địa phương;

    c) Quyết định thu phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật;

    d) Quyết định cụ thể một số định mức phân bổ ngân sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi theo quy định của Chính phủ;

    đ) Quyết định mức huy động vốn theo quy định tại khoản 3 Điều 8 của Luật này.

    Trên đây là nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp trong quản lý ngân sách nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Luật Ngân sách Nhà nước 2002.

    Trân trọng!

    26