Nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chính sách về nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN như thế nào?

Nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chính sách về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước như thế nào? Nhờ anh chị tư vấn. Cảm ơn anh chị.

Nội dung chính

    Tại Tiểu mục 1 Mục III Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2022 có quy định về nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chính sách về nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN như sau:

    1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách:

    a) Khẩn trương rà soát, sửa đổi đồng bộ các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động của DNNN như: Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu... theo hướng:

    - Phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho cơ quan đại diện chủ sở hữu trong thực hiện một số quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc giao mục tiêu tại kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý theo mục tiêu, nâng cao trách nhiệm giải trình của hội đồng thành viên, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp để DNNN hoạt động theo nguyên tắc thị trường.

    - Nghiên cứu, xây dựng cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với tập đoàn, tổng công ty theo hướng khuyến khích thuê công ty kiểm toán lớn có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín thực hiện giám sát, kịp thời đưa ra cơ chế cảnh báo song song với vai trò quản lý nhà nước của bộ ngành, cơ quan đại diện chủ sở hữu. đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý thông tin về DNNN trên nguyên tắc đo lường được, khách quan, kịp thời, minh bạch nhằm phát hiện sớm các sai phạm, cảnh báo các nguy cơ làm DNNN bị thua lỗ, mất vốn nhà nước. Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về DNNN để đánh giá, theo dõi và giám sát.

    - Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách tiền lương theo nguyên tắc thị trường, gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với người giữ chức danh, chức vụ, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm phù hợp với kết quả, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp.

    - Đổi mới công tác quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp để tuyển dụng hoặc thuê nhân lực chất lượng cao; thực hiện cử thành viên Hội đồng thành viên độc lập (các chuyên gia có trình độ, năng lực về tài chính, quản trị...) tham gia quản lý, điều hành. Nghiên cứu cơ chế, chính sách tuyển chọn lãnh đạo quản lý, đẩy mạnh việc tuyển dụng thông qua thi tuyển công khai, minh bạch.

    - Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phù hợp tăng nguồn lực cho DNNN từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án quan trọng, hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

    - Nghiên cứu sửa đổi quy định về chuyển mục đích sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ: đầu tư cho các vườn ươm trong lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đặt hàng các sản phẩm đổi mới sáng tạo; đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...

    b) Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách quản lý và phát triển riêng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn để phát huy vị trí, vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội.

    c) Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan liên quan, trong đó có cơ quan đầu mối theo dõi tổng hợp hoạt động của DNNN để kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp toàn diện, nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của DNNN, góp phần bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

    d) Nghiên cứu cơ chế thúc đẩy DNNN mạnh dạn đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, theo kịp tốc độ phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ trên nguyên tắc hiệu quả; thay đổi mô hình kinh doanh của nền kinh tế toàn cầu, xu thế phát triển trên thế giới, trong đó nghiên cứu thêm hình thức lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện quản lý, vận hành DNNN hoặc một phần tài sản, dự án của DNNN (hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực) trong một khoảng thời gian nhất định (có thể từ 5 năm đến 10 năm) nhằm tạo nguồn lực phục vụ mục đích đầu tư phát triển hoặc an sinh xã hội.

    đ) Nghiên cứu, rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giao tài sản công để khai thác hiệu quả, đặc biệt trong một số lĩnh vực đặc thù (như hạ tầng đường sắt, hạ tầng hàng không).

    e) Hoàn thiện chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, làm cơ sở để các DNNN trực thuộc triển khai thực hiện.

    g) Khẩn trương tổng kết, đánh giá và đề xuất mô hình hoạt động hiệu quả của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

    12