Nhà thầu sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng cho công trình xây dựng có trách nhiệm gì?

Nhà thầu sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng cho công trình xây dựng có trách nhiệm gì? Hồ sơ quản lý chất lượng vật liệu sử dụng cho công trình gồm những gì?

Nội dung chính

    Nhà thầu sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng cho công trình xây dựng theo yêu cầu riêng của thiết kế có trách nhiệm gì?

    Căn cứ khoản 2 Điều 12 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của nhà thầu sản xuất vật liệu xây dựng cho công trình xây dựng theo yêu cầu riêng của thiết kế như sau:

    - Trình bên giao thầu (bên mua) quy trình sản xuất, thí nghiệm, thử nghiệm theo yêu cầu của thiết kế và quy trình kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất, chế tạo đối với vật liệu xây dựng, cấu kiện và thiết bị;

    - Tổ chức chế tạo, sản xuất và thí nghiệm, thử nghiệm theo quy trình đã được bên giao thầu chấp thuận, đáp ứng yêu cầu thiết kế; tự kiểm soát chất lượng và phối hợp với bên giao thầu trong việc kiểm soát chất lượng trong quá trình chế tạo, sản xuất, vận chuyển và lưu giữ tại công trình;

    - Tổ chức kiểm tra và nghiệm thu trước khi bàn giao cho bên giao thầu;

    - Vận chuyển, bàn giao cho bên giao thầu theo quy định của hợp đồng;

    -Cung cấp cho bên giao thầu các chứng chỉ, chứng nhận, thông tin, tài liệu có liên quan theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.

    Trong đó, nhà thầu sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị do mình cung ứng, sản xuất, chế tạo so với yêu cầu của bên giao thầu và tính chính xác, trung thực của các tài liệu cung cấp cho bên giao thầu; việc nghiệm thu của bên giao thầu không làm giảm trách nhiệm nêu trên của các nhà thầu này.

    Nhà thầu sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng cho công trình xây dựng có trách nhiệm gì?

    Nhà thầu sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng cho công trình xây dựng có trách nhiệm gì? (Hình từ Internet) 

    Trách nhiệm của nhà thầu cung ứng sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng đã là hàng hóa trên thị trường là gì?

    Căn cứ khoản 1 Điều 12 Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì nhà thầu cung ứng sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng đã là hàng hóa trên thị trường có trách nhiệm như sau:

    - Tổ chức thực hiện thí nghiệm kiểm tra chất lượng và cung cấp cho bên giao thầu (bên mua sản phẩm xây dựng) các chứng chỉ, chứng nhận, các thông tin, tài liệu có liên quan tới sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng theo quy định của hợp đồng xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan;

    - Kiểm tra chất lượng, số lượng, chủng loại của sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng theo yêu cầu của hợp đồng trước khi bàn giao cho bên giao thầu;

    -Thông báo cho bên giao thầu các yêu cầu về vận chuyển, lưu giữ, bảo quản sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng;

    - Thực hiện sửa chữa hoặc thay thế sản phẩm xây dựng không đạt yêu cầu về chất lượng theo cam kết bảo hành sản phẩm xây dựng và quy định của hợp đồng xây dựng.

    Hồ sơ quản lý chất lượng vật liệu sử dụng cho công trình gồm những gì?

    Căn cứ khoản 5 Điều 12 Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì hồ sơ quản lý chất lượng vật liệu sử dụng cho công trình, bao gồm:

    - Chứng chỉ chất lượng của nhà sản xuất theo yêu cầu của hợp đồng và quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa;

    - Chứng chỉ xuất xứ phải phù hợp với quy định của hợp đồng giữa nhà thầu cung ứng, bên mua hàng và phù hợp với danh mục vật tư, vật liệu đã được chủ đầu tư chấp thuận, phê duyệt đối với trường hợp nhập khẩu theo quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa;

    - Giấy chứng nhận hợp quy theo quy định của các quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật có liên quan đối với vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị thuộc đối tượng phải thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa;

    - Các thông tin, tài liệu có liên quan tới vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình theo quy định của hợp đồng xây dựng;

    - Các kết quả thí nghiệm, thử nghiệm, kiểm định vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và yêu cầu của thiết kế được thực hiện trong quá trình thi công xây dựng công trình;

    - Các biên bản nghiệm thu vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình theo quy định;

    - Các tài liệu khác có liên quan theo quy định của hợp đồng xây dựng.

    Quy định về quản lý vật liệu xây dựng sử dụng cho thi công xây dựng công trình như thế nào?

    Theo Điều 7 Thông tư 10/2021/TT-BXD quy định về quản lý vật liệu xây dựng sử dụng cho thi công xây dựng công trình như sau:

    Các yêu cầu về chủng loại, nguồn gốc xuất xứ của vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị nhập khẩu sử dụng cho thi công xây dựng công trình (nếu có) phải được thể hiện trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng (hoặc nhà thầu cung ứng, chế tạo, sản xuất), bao gồm các thông tin chủ yếu sau: tên chủng loại vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng; các thông số kỹ thuật chính phù hợp với yêu cầu thiết kế; nhà sản xuất, chế tạo; nơi sản xuất, chế tạo và các chứng từ chứng minh xuất xứ.

    - Hình thức của chứng chỉ chứng minh xuất xứ phải được thỏa thuận trong hợp đồng nêu tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 10/2021/TT-BXD, phải phù hợp với quy định tại điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, bao gồm một trong các hình thức sau:

    + Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp;

    + Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do nhà sản xuất hoặc thương nhân phát hành, trong đó phải nêu rõ nhà sản xuất, chế tạo và nơi sản xuất, chế tạo.

    12