Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai thông qua các cơ quan nào?

Chuyên viên pháp lý Trương Thị Ngọc Duyên
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai thì có những quyền nào? Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai thông qua các cơ quan nào?

Nội dung chính

    Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai thì có những quyền nào?

    Căn cứ theo Điều 13 Luật Đất đai 2024, thì với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai, Nhà nước được thực hiện các quyền sau:

    (1) Nhà nước quyết định quy hoạch sử dụng đất.

    (2)Nhà nước quyết định trưng dụng đất.

    (3) Nhà nước quyết định thu hồi đất.

    (4) Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

    (5) Nhà nước quy định hạn mức sử dụng đất gồm hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

    (6) Nhà nước quyết định thời hạn sử dụng đất.

    (7) Nhà nước quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất.

    (8) Nhà nước quyết định cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

    (9) Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.

    (10) Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể.

    (11) Nhà nước quyết định chính sách tài chính về đất đai; điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.

    (12) Nhà nước quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nguồn gốc sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

    Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai thông qua các cơ quan nào? (Hình từ Internet)

    Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai thông qua các cơ quan nào?

    Căn cứ Điều 14 Luật Đất đai 2024 quy định Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định Luật Đất đai 2024 và luật khác có liên quan thông qua các cơ quan sau đây:

    - Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết về đất đai; quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia; thực hiện quyền giám sát đối với việc quản lý, sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước;

    - Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền; thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất theo thẩm quyền quy định Luật Đất đai 2024; quyết định bảng giá đất; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương;

    - Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định của Luật Đất đai 2024 và luật khác có liên quan.

    Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất ra sao?

    Theo quy định, tại Điều 17 Luật Đất đai 2024 quy định bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất gồm:

    - Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất.

    - Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    23
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ