Nhà nước có cho thuê đất công trình thủy lợi với mục đích kinh doanh và thu tiền một lần cho cả thời gian thuê không?

Chuyên viên pháp lý Đào Thị Mỹ Hồng
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Nhà nước có cho thuê đất công trình thủy lợi với mục đích kinh doanh và thu tiền một lần cho cả thời gian thuê không?

Nội dung chính

    Đất công trình thủy lợi thuộc nhóm đất nào?

    Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp
    ...
    6. Đất sử dụng vào mục đích công cộng, bao gồm:
    ...
    b) Đất công trình thủy lợi là đất xây dựng đê điều, kè, cống, đập, tràn xả lũ, đường hầm thủy công, hệ thống cấp nước, thoát nước, tưới nước, tiêu nước chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp kể cả hành lang bảo vệ công trình thủy lợi mà phải sử dụng đất; công trình thủy lợi đầu mối kể cả nhà làm việc, nhà kho, cơ sở sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng công trình thủy lợi thuộc phạm vi công trình thủy lợi;
    c) Đất công trình cấp nước, thoát nước là đất xây dựng nhà máy nước, trạm bơm nước, các loại bể, tháp chứa nước, tuyến cấp nước, thoát nước; công trình xử lý nước, bùn, bùn cặn kể cả nhà làm việc, nhà kho, cơ sở sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng công trình cấp nước, thoát nước ngoài các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu chế xuất, các khu sản xuất, kinh doanh tập trung và các công trình khác theo quy định của pháp luật;
    ...

    Như vậy, đất công trình thủy lợi là đất sử dụng vào mục đích công cộng, thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.

    Nhà nước có cho thuê đất công trình thủy lợi với mục đích kinh doanh và thu tiền một lần cho cả thời gian thuê không?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 120 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Cho thuê đất
    1. Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc thu tiền thuê đất hằng năm đối với các trường hợp không thuộc trường hợp quy định tại Điều 118 và Điều 119 của Luật này.
    2. Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trong các trường hợp sau đây:
    a) Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;
    b) Sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh; sử dụng đất thương mại, dịch vụ để hoạt động du lịch, kinh doanh văn phòng;
    c) Sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội cho thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở.
    3. Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm trong các trường hợp sau đây:
    a) Các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này;
    b) Các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này mà có nhu cầu trả tiền thuê đất hằng năm;
    c) Đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn hình thức thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều 30 của Luật này.
    4. Việc cho thuê đất quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định tại các điều 124, 125 và 126 của Luật này.

    Như vậy, Nhà nước có thể cho thuê đất công trình thủy lợi với mục đích kinh doanh và thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trong trường hợp sử dụng đất vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh.

    Nhà nước có cho thuê đất công trình thủy lợi với mục đích kinh doanh và thu tiền một lần cho cả thời gian thuê không?

    Nhà nước có cho thuê đất công trình thủy lợi với mục đích kinh doanh và thu tiền một lần cho cả thời gian thuê không? (Hình ảnh từ Internet)

    Nguyên tắc quản lý, khai thác công trình thủy lợi được quy định như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 19 Luật Thủy lợi 2017 quy định như sau:

    Nguyên tắc quản lý, khai thác công trình thủy lợi
    1. Quản lý thống nhất theo hệ thống công trình thủy lợi, từ công trình đầu mối đến công trình thủy lợi nội đồng; phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của hệ thống, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng nước phục vụ sản xuất, dân sinh và các ngành kinh tế.
    2. Tuân thủ quy trình vận hành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; có phương án ứng phó thiên tai.
    3. Bảo đảm hài hòa các lợi ích, chia sẻ rủi ro, hạn chế tác động bất lợi đến các vùng liên quan; phát huy hiệu quả khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu của hệ thống thủy lợi.
    4. Quản lý, khai thác công trình thủy lợi phải có sự tham gia của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và các bên có liên quan.
    5. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

    Như vậy, nguyên tắc quản lý, khai thác công trình thủy lợi được quy định tại Điều 19 Luật Thủy lợi 2017 bao gồm:

    - Quản lý thống nhất toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi, từ công trình đầu mối đến công trình thủy lợi nội đồng, đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ và yêu cầu về chất lượng, số lượng nước cho sản xuất và dân sinh.

    - Tuân thủ quy trình vận hành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và có phương án ứng phó với thiên tai.

    - Bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, hạn chế tác động bất lợi đối với các vùng liên quan và phát huy hiệu quả khai thác đa mục tiêu.

    - Sự tham gia của người sử dụng sản phẩm và dịch vụ thủy lợi, cũng như các bên liên quan trong quá trình quản lý và khai thác.

    - Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý và khai thác công trình thủy lợi.

    95
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ