Nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả được quy định như thế nào?
Nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả được quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư 19/2015/TT-BTC hướng dẫn về cơ chế huy động, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành như sau:
- Quỹ được sử dụng để hỗ trợ thêm cho các đối tượng thụ hưởng nêu tại khoản 2, Điều 2 Thông tư này để thực hiện: công tác kiểm tra, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý, tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá giả; khuyến khích tố giác hành vi, đường dây tàng trữ, mua bán thuốc lá điếu nhập lậu, sản xuất buôn bán thuốc lá giả; các hoạt động điều phối, hội nghị tập huấn nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết, khen thưởng, phổ biến pháp luật về phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả và công tác chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương thực hiện và phối hợp thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Không được sử dụng Quỹ để chi cho các nội dung khác không liên quan đến hoạt động phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả.
- Việc thanh toán cho các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả căn cứ vào số lượng thuốc lá thực tế bị bắt giữ được tiêu hủy ghi trên Quyết định xử phạt tịch thu hoặc Quyết định tịch thu (trong trường hợp không xác định chủ sở hữu) của cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm và Biên bản tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá giả của Hội đồng xử lý tiêu hủy.
- Quỹ phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích; kết thúc năm tài chính, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam phải gửi báo cáo tình hình huy động, sử dụng Quỹ đến Bộ Tài chính (Vụ Chính sách thuế và Tổng cục thuế) và đến Cục Thuế địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.
- Đơn vị sử dụng kinh phí phải theo dõi, hạch toán riêng khoản kinh phí hỗ trợ này; xây dựng quy chế sử dụng kinh phí theo nguyên tắc công khai, minh bạch. Thủ trưởng đơn vị sử dụng kinh phí hỗ trợ căn cứ vào các nội dung chi tại Điều 5 Thông tư này để quyết định mức chi cụ thể cho phù hợp với công tác của đơn vị và chịu trách nhiệm trực tiếp trước cơ quan chủ quản cấp trên. Số kinh phí chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.
- Nguồn kinh phí hỗ trợ hướng dẫn tại Thông tư này không thay thế các nguồn kinh phí áp dụng theo quy định hiện hành đối với công tác chống hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Việc xử lý tang vật là thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá giả do vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Ví dụ: Trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Cục Hải quan A được bố trí kinh phí cho hoạt động chống hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả là 400 triệu đồng. Giả sử trong năm 2015 bắt giữ được 1,2 triệu bao thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì ngoài kinh phí hỗ trợ được sử dụng theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư này, Cục Hải quan A vẫn được hưởng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động chống hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo quy định hiện hành.