Người nước ngoài thuê nhà ở tại Việt Nam thì phải đáp ứng những điều kiện gì?

Người nước ngoài thuê nhà ở tại Việt Nam thì phải đáp ứng những điều kiện gì? Người nước ngoài nào thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam?

Nội dung chính

    Người nước ngoài thuê nhà ở tại Việt Nam thì phải đáp ứng những điều kiện gì?

    Căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ở 2023 quy định về điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở:

    Điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở
    ...
    2. Bên mua, thuê mua, thuê nhà ở, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế, nhận thế chấp, nhận góp vốn, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý nhà ở là cá nhân phải đáp ứng điều kiện về chủ thể tham gia giao dịch theo quy định của pháp luật về dân sự và thực hiện theo quy định sau đây:
    a) Nếu là cá nhân trong nước thì không bắt buộc phải có đăng ký cư trú tại nơi có nhà ở được giao dịch;
    b) Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này và không bắt buộc phải có đăng ký cư trú tại nơi có nhà ở được giao dịch. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn phải tuân thủ quy định của Luật Đất đai.
    ...

    Căn cứ theo quy định này thì cá nhân nước ngoài muốn thuê nhà ở tại Việt nam thì phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và không bắt buộc phải có đăng ký cư trú tại nơi có nhà ở được giao dịch. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn phải tuân thủ quy định của Luật Đất đai.

    Người nước ngoài thuê nhà ở tại Việt Nam thì phải đáp ứng những điều kiện gì? (Hình từ Internet)

    Người nước ngoài nào thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam?

    Căn cứ theo điểm c khoản 1 và Điều 17 Luật Nhà ở 2023 quy định về đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

    Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
    1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
    ...
    c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
    2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều này được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ thông qua các hình thức sau đây:
    ...
    b) Tổ chức, cá nhân quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này được sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua nhà ở thương mại của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 16 của Luật này;
    c) Tổ chức, cá nhân quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này được sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu nhà ở theo quy định tại điểm b khoản này.

    Như vậy, người nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải là cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Người nước ngoài được phép sở hữu nhà ở thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, mua, thuê mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu nhà ở.

    Hợp đồng thuê nhà ở phải có những nội dung gì?

    Căn cứ theo Điều 163 Luật Nhà ở 2023 quy định hợp đồng thuê nhà ở phải có những nội dung sau:

    - Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;

    - Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó;

    - Giá thuê nhà trọ nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;

    - Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở;

    - Thời gian giao nhận nhà ở; thời hạn cho thuê;

    - Quyền và nghĩa vụ của các bên, phải ghi rõ quyền và nghĩa vụ của các bên về việc sửa chữa hư hỏng của nhà ở trong quá trình thuê mua;

    - Cam kết của các bên;

    - Thỏa thuận khác;

    - Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;

    - Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;

    - Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.

    19