Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật có được nhận trợ cấp thôi việc không?

Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật có được nhận trợ cấp thôi việc không? Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp nào? Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc cho người lao động được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật có được nhận trợ cấp thôi việc không?

    Căn cứ tại Điều 40 Bộ Luật lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:

    Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

    1. Không được trợ cấp thôi việc.
    2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
    3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.

    Như vậy, trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật.

    Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật có được nhận trợ cấp thôi việc không? (Hình ảnh minh họa)

    Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp nào?

    Căn cứ tại Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước như sau:

    Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

    ...

    2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
    a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
    b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
    c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
    d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
    đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
    e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
    g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

    Theo đó, nếu thuộc các trường hợp được nêu trên thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định của pháp luật.

    Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc cho người lao động được quy định như thế nào?

    Căn cứ tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm như sau:

    Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm

    ...

    3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trong đó:
    a) Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc; thời gian thử việc; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 111, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114, khoản 1 Điều 115; thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 176 và thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 128 của Bộ luật Lao động.
    b) Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp.
    c) Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm, trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc.

    Trên đây là quy định của pháp luật về thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc cho người lao động.

    11