Người gốc Việt, có quốc tịch nước khác có được nhận tặng cho nhà đất?

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Ngọc Huyền
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Người gốc Việt, có quốc tịch nước khác có được nhận tặng cho nhà đất? Hợp đồng tặng cho nhà đất trong trường hợp này có phải công chứng không?

Nội dung chính

    Người gốc Việt, có quốc tịch nước khác có được nhận tặng cho nhà đất?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

    Dựa vào quy định này, người gốc Việt Nam hiện đã có quốc tịch nước khác được hiểu là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

    Bên cạnh đó, tại điểm h khoản 1 Điều 28 Luật Đất đai 2024 quy định rằng người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, nếu được phép nhập cảnh vào Việt Nam, có quyền nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định pháp luật dân sự. Ngoài ra, họ còn có quyền mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở, hoặc nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở.

    Căn cứ vào các quy định trên, có thể kết luận rằng người gốc Việt Nam đã có quốc tịch nước khác, nếu được phép nhập cảnh vào Việt Nam, sẽ được nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

    Người gốc Việt, có quốc tịch nước khác có được nhận tặng cho nhà đất?

    Người gốc Việt, có quốc tịch nước khác có được nhận tặng cho nhà đất? (Hình từ Internet)

    Tặng cho nhà đất cho người gốc Việt, có quốc tịch nước khác thì cần phải đáp ứng điều kiện gì?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024, người sử dụng đất được thực hiện quyền tặng cho nhà đất cho người người gốc Việt, có quốc tịch nước nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau:

    (1) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

    (2) Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật.

    (3) Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.

    (4) Trong thời hạn sử dụng đất.

    (5) Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

    Bên cạnh đó, căn cứ điểm h khoản 1 Điều 28 và điểm c khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai 2024 thì việc tặng cho nhà đất cho người gốc Việt, có quốc tịch nước khác cần đáp ứng thêm 3 điều kiện sau:

    (6) Người gốc Việt, có quốc tịch nước khác phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

    (7) Nhà đất là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.

    (8) Người tặng cho phải là người thuộc hàng thừa kế của người nhận tặng cho, theo pháp luật dân sự hiện hành. Cụ thể, các đối tượng tặng cho phải là những đối tượng quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

    - Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người nhận tặng cho;

    - Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của người nhận tặng cho;

    - Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại của người nhận tặng cho.

    Ví dụ: Ông X và bà Y có quyền sở hữu một căn nhà gắn liền với đất ở tại Việt Nam (nhà đất này đáp ứng đủ các điều kiện tại (1), (2), (3), (4), (5)). Họ quyết định tặng cho cháu ruột là anh Z, người gốc Việt Nam hiện đang có quốc tịch Đức.

    Trong trường hợp này, Ông X và bà Y thuộc hàng thừa kế thứ hai của anh Z, và việc tặng cho được pháp luật cho phép nếu anh Z đáp ứng điều kiện được nhập cảnh vào Việt Nam.

    Hợp đồng tặng cho nhà đất cho người gốc Việt, có quốc tịch nước khác có cần phải công chứng không?

    Theo quy định tại điểm a và điểm d khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024, hợp đồng tặng cho nhà đất cho người gốc Việt, có quốc tịch nước khác phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.

    Theo đó, hợp đồng tặng cho này không bắt buộc phải công chứng, các bên trong hợp đồng tặng cho có thể lựa chọn công chứng hoặc chứng thực hợp đồng này. Việc lựa chọn công chứng hay chứng thực sẽ do các bên tự thoả thuận với nhau để thực hiện. Trong trường hợp chọn thực hiện công chứng thì sẽ thực hiện theo thủ tục sau:

    (1) Trường hợp công chứng hợp đồng góp vốn đã được soạn thảo sẵn (Điều 40 Luật Công chứng 2014)

    - Hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:

    + Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

    + Dự thảo hợp đồng;

    + Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

    + Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

    Lưu ý: Bản sao là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực.

    - Công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng.

    - Công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu công chứng tuân thủ đúng các quy định về thủ tục công chứng và các quy định pháp luật có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, giao dịch; giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc tham gia hợp đồng, giao dịch.

    - Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.

    - Công chứng viên kiểm tra dự thảo hợp đồng; nếu trong dự thảo hợp đồng, giao dịch có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch không phù hợp với quy định của pháp luật thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.

    - Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe theo đề nghị của người yêu cầu công chứng.

    - Người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng thì ký vào từng trang của hợp đồng. Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ trong hồ sơ để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng.

    (2) Trường hợp công chứng hợp đồng do công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng (Điều 41 Luật Công chứng 2014)

    - Người yêu cầu công chứng nộp một bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau đây:

    + Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

    + Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

    + Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

    + Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

    Lưu ý: Bản sao là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực.

    - Người yêu cầu công chứng nộp hồ sơ yêu cầu công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng

    - Người yêu cầu công chứng nêu nội dung, ý định giao kết hợp đồng, giao dịch;

    - Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý, ghi vào sổ công chứng;

    Công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu công chứng tuân thủ đúng các quy định về thủ tục công chứng và các quy định pháp luật có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, giao dịch; giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc tham gia hợp đồng, giao dịch;

    - Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe doạ, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.

    - Trường hợp nội dung, ý định giao kết hợp đồng, giao dịch là xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì công chứng viên soạn thảo hợp đồng, giao dịch.

    - Người yêu cầu công chứng tự đọc dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe. Trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng, giao dịch thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch. Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Công chứng 2014 để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch

    119
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ