Thứ 6, Ngày 01/11/2024
08:46 - 10/10/2024

Nghị định 123/2024/NĐ-CP chuyển đất trồng lúa sang loại đất khác trái với quy định có thể bị phạt lên đến 200 triệu đồng

Ngầy 04/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, áp dụng từ ngày 04/10/2024

Nội dung chính

    Mức xử phạt hành chính cho hành vi chuyển đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cho phép

    Tại Điều 8 Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì mức xử phạt hành chính cho hành vi chuyển đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cho phép như sau:

    (1) Hành vi chuyển đất trồng lúa sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:

    - Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,5 héc ta;

    - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

    - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 03 héc ta trở lên.

    (2) Hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức xử phạt như sau:

    - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,05 héc ta;

    - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

    - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

    - Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta đến dưới 02 héc ta;

    - Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất từ trên 02 héc ta trở lên.

    (3) Hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức phạt như sau:

    - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất từ dưới 0,01 héc ta;

    - Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,01 héc ta đến dưới 0,03 héc ta;

    - Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,03 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

    - Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

    - Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta trở lên.

    (4) Hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn:

    Hình thức và mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt tương ứng với quy định tại (2) và (3).

    Bên cạnh đó, hành vi vi phạm này còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả sau:

    - Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai 2024;

    - Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

    Lưu ý, theo Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì:

    - Mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.

    - Bên cạnh đó, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 mà chưa có văn bản xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành thì không áp dụng mức phạt trên.

    - Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi này không vượt quá mức phạt tiền tối đa theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

    Nghị định 123/2024/NĐ-CP chuyển đất trồng lúa sang loại đất khác trái với quy định có thể bị phạt lên đến 200 triệu đồng

    Nghị định 123/2024/NĐ-CP chuyển đất trồng lúa sang loại đất khác trái với quy định có thể bị phạt lên đến 200 triệu đồng (Ảnh từ Internet)

    Xác định diện tích đất vi phạm để xử phạt hành chính như thế nào theo Nghị định 123 năm 2024

    Tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì diện tích đất vi phạm được xác định như sau:

    (1) Trường hợp vi phạm toàn bộ diện tích thửa đất mà đã có bản đồ địa chính thì xác định theo bản đồ địa chính; trường hợp diện tích vi phạm không có bản đồ địa chính nhưng có bản đồ khác đã, đang sử dụng trong quản lý đất đai tại địa phương thì sử dụng bản đồ đó để xác định.

    (2) Trường hợp diện tích đất vi phạm ở những nơi chưa có bản đồ quy định tại (1) hoặc vi phạm một phần diện tích thửa đất thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính có trách nhiệm xác định phạm vi, ranh giới, mốc giới để xác định diện tích đất vi phạm và ghi vào biên bản vi phạm hành chính.

    (3) Trường hợp diện tích đất vi phạm không thể đo đạc bằng phương pháp thủ công thì được thuê đơn vị tư vấn có chức năng đo đạc để xác định diện tích đất vi phạm.

    (4) Trường hợp người có hành vi vi phạm không đồng ý với kết quả đo đạc do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính xác định thì được quyền thuê đơn vị có chức năng đo đạc xác định lại diện tích đất vi phạm.

    (5) Chi phí thuê đơn vị tư vấn có chức năng đo đạc để xác định diện tích đất vi phạm quy định tại điểm này do người vi phạm chi trả.

    Xác định tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm để xử phạt hành chính theo Nghị định 123 năm 2024

    Tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm được xác định theo người sử dụng đất, loại đất quy định tại Điều 9 Luật Đất đai 2024 và theo hiện trạng sử dụng đất trước khi vi phạm (địa hình, địa vật, công trình trên đất) và được ghi nhận tại biên bản vi phạm hành chính.

    Việc xác định tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm căn cứ vào các hồ sơ, tài liệu có thể hiện tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp không có hồ sơ, tài liệu thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính có trách nhiệm xác minh tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm trên cơ sở ý kiến trình bày của người vi phạm và ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã.

    11