Mức trợ cấp hàng tháng dành cho quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, hoặc thôi việc được điều chỉnh tăng bao nhiêu phần trăm?
Nội dung chính
Tăng thêm 12,5% trên mức trợ cấp hằng tháng cho quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 82/2023/TT-BQP (có hiệu lực kể từ ngày 19/12/2023) quy định cách tính và mức điều chỉnh như sau:
(1) Điều chỉnh tăng thêm 12,5% trên mức trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2023 đối với đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Thông tư 82/2023/TT-BQP, theo công thức sau:
Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ tháng 7/2023 = Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng tại thời điểm tháng 6/2023 * 1,125.
(2) Mức trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Thông tư 82/2023/TT-BQP sau khi đã được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể như sau:
- Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 2.285.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 2.388.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 2.494.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 2.598.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng/tháng.
Như vậy, tùy vào số năm công tác sẽ có mức điều chỉnh nhất định theo quy định của pháp luật.
Tăng thêm 12,5% trên mức trợ cấp hằng tháng cho quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc? (Hình từ Internet)
Tổ chức thực hiện điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 82/2023/TT-BQP (có hiệu lực kể từ ngày 19/12/2023) quy định tổ chức thực hiện điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc gồm có:
- Tổng cục Chính trị chỉ đạo Cục Chính sách:
+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội triển khai thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện Thông tư này;
+ Thực hiện điều chỉnh mức hưởng trợ cấp theo hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư 82/2023/TT-BQP đối với các đối tượng có quyết định hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành trở về sau.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh và chi trả trợ cấp hằng tháng theo hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư 82/2023/TT-BQP đối với các đối tượng đã có quyết định hưởng trợ cấp hằng tháng trước ngày Thông tư 82/2023/TT-BQP có hiệu lực thi hành.
Thông tư 82/2023/TT-BQP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/12/2023. Tuy nhiên các quy định tại Thông tư 82/2023/TT-BQP được thực hiện từ ngày 01/7/2023.
Quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc áp dụng với những đối tượng nào?
Căn cứ Điều 2 Thông tư 82/2023/TT-BQP (có hiệu lực kể từ ngày 19/12/2023) áp dụng đối với các đối tượng như sau:
- Quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định 142/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong Quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định 38/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 142/2008/QĐ-TTg.
- Quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Kinh phí thực hiện điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc từ đâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 82/2023/TT-BQP (có hiệu lực kể từ ngày 19/12/2023) quy định kinh phí thực hiện như sau:
Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng quy định tại Thông tư này do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để ủy quyền cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố chi trả cho đối tượng.
Như vậy, kinh phí thực hiện điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng quy định tại Thông tư này do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để ủy quyền cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố chi trả cho đối tượng.