Lập dự toán ngân sách nhà nước trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Lập dự toán ngân sách nhà nước trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội được quy định như thế nào?
Lập dự toán ngân sách nhà nước trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội được quy định tại Điều 5 Thông tư 55/2017/TT-BTC quy định chi tiết về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với hoạt động thuộc lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội có hiệu lực từ ngày 06/07/2017 như sau:
Căn cứ quy định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm sau, hướng dẫn của Bộ Tài chính về yêu cầu, nội dung, thời hạn lập dự toán và thông báo số kiểm tra dự toán, yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội triển khai trong năm kế hoạch, Bộ Công an hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác lập dự toán ngân sách nhà nước theo các nội dung:
1. Hướng dẫn và thông báo số kiểm tra dự toán ngân sách cho các đơn vị theo nguyên tắc:
a) Cấp trên hướng dẫn và thông báo số kiểm tra dự toán cho cấp dưới trực tiếp.
b) Nội dung thông báo số kiểm tra dự toán ngân sách cho các đơn vị dự toán phải đảm bảo phù hợp với nội dung số kiểm tra dự toán do Bộ Tài chính thông báo. Cụ thể: Số thu phải bảo đảm không thấp hơn số kiểm tra; số chi phải phù hợp với số kiểm tra về tổng mức và nội dung chi của từng lĩnh vực.
2. Trình tự lập, gửi dự toán ngân sách:
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Công an, các đơn vị thực hiện lập dự toán ngân sách theo trình tự:
a) Các đơn vị sử dụng ngân sách lập dự toán ngân sách của đơn vị mình gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp xem xét, tổng hợp và lập dự toán ngân sách thuộc phạm vi quản lý của cấp mình để gửi lên cấp trên trực tiếp.
b) Các đơn vị dự toán cấp 2 xem xét dự toán ngân sách của các đơn vị dự toán cấp dưới, tổng hợp và lập dự toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý gửi đơn vị dự toán cấp 1.
c) Đơn vị dự toán cấp 1 xem xét dự toán của các đơn vị dự toán cấp 2 (hoặc đơn vị dự toán có quan hệ trực tiếp với đơn vị dự toán cấp 1) tổng hợp và lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước của Bộ Công an.
d) Dự toán thu, chi ngân sách nhà nước của Bộ Công an gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực kèm theo phương án phân bổ ngân sách năm sau chi tiết theo lĩnh vực và chi tiết đến đơn vị dự toán cấp 2 (hoặc đơn vị dự toán có quan hệ trực tiếp với đơn vị dự toán cấp 1) theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
3. Yêu cầu đối với lập dự toán ngân sách:
a) Dự toán thu ngân sách nhà nước của Bộ Công an lập không được thấp hơn số kiểm tra, có thuyết minh căn cứ tính toán từng khoản thu, đánh giá tình hình thực hiện công tác thu, nộp ngân sách nhà nước năm trước, cơ chế chính sách, điều kiện kinh tế - xã hội tác động đến thu ngân sách.
b) Dự toán chi ngân sách của Bộ Công an phải thuyết minh đầy đủ cơ sở tính toán, lập dự toán, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ dự toán năm trước; chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức chi; quân số, biên chế; nhiệm vụ bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và số kiểm tra về chi ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính thông báo.
c) Đối với dự toán ngân sách của Công an, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy địa phương phải phân định rõ:
Phần do ngân sách trung ương đảm bảo, tổng hợp gửi lên cấp trên theo phân cấp quản lý của Bộ Công an.
Phần do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định tại khoản 2, Điều 11 và khoản 2, Điều 12 Nghị định số 165/2016/NĐ-CP, gửi cơ quan tài chính địa phương cùng cấp để trình Hội đồng nhân dân địa phương quyết định, đồng gửi cơ quan cấp trên theo từng cấp để tổng hợp.
Trên đây là quy định về Lập dự toán ngân sách nhà nước trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội theo Thông tư 55/2017/TT-BTC.
Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất