Kinh phí, chi phí, hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên từ ngày 01/01/2026
Nội dung chính
Tư pháp người chưa thành niên là gì?
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội chính thức thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên. Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.
Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Trong đó, theo khoản 7 Điều 3 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 thì Tư pháp người chưa thành niên là các quy định về chính sách, biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên; thủ tục thân thiện trong xử lý chuyển hướng, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Kinh phí, chi phí, hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên từ ngày 01/01/2026 (Hình từ Internet)
Kinh phí, chi phí, hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên từ ngày 01/01/2026
Kinh phí, chi phí, hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên theo quy định tại 4 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 như sau:
(1) Kinh phí cho hoạt động tư pháp người chưa thành niên được bảo đảm từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
(2) Ngân sách nhà nước bảo đảm các nội dung sau đây:
- Cơ sở vật chất để thực hiện thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên;
- Tổ chức thi hành biện pháp giám sát điện tử;
- Tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng;
- Tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;
- Cơ sở vật chất của trường giáo dưỡng, trại giam riêng, phân trại, khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên; chế độ ăn, mặc, ở, đồ dùng sinh hoạt, chăm sóc y tế, học văn hóa, giáo dục hướng nghiệp, học nghề, lao động, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và vui chơi giải trí đối với học sinh trường giáo dưỡng và phạm nhân là người chưa thành niên;
- Phần chi của Quỹ Bảo trợ trẻ em cho hoạt động tư pháp người chưa thành niên;
- Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho người làm công tác xã hội, người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng;
- Chi phí cho người làm công tác xã hội tham gia tố tụng, người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, người được chỉ định giúp đỡ người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng; chi phí cho chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc, vụ án theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền;
- Các nội dung khác cho hoạt động tư pháp người chưa thành niên được ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật có liên quan.
(3) Trường giáo dưỡng được tiếp nhận sự giúp đỡ về vật chất của chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, cá nhân, tổ chức nước ngoài để tổ chức dạy văn hóa, giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề, mua sắm đồ dùng học tập và sinh hoạt cho học sinh.
Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.