Kinh doanh vũ trường trong nhà chung cư bị phạt hành chính bao nhiêu tiền? Để quản lý, sử dụng nhà chung cư thì cần đáp ứng các điều kiện gì?
Nội dung chính
Kinh doanh vũ trường trong nhà chung cư bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, 5 Điều 67 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về các hành vi vi phạm đối với quản lý sử dụng nhà chung cư đối với chủ đầu tư như sau:
Vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với chủ đầu tư
1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kinh doanh vũ trường;
b) Không mở tài khoản hoặc mở tài khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư không đúng quy định;
c) Không có hoặc chậm có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức hội nghị nhà chung cư khi đã tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu nhưng không đủ số người tham dự theo quy định;
d) Không có văn bản thông báo hoặc thông báo không đầy đủ thông tin cho Sở Xây dựng nơi có dự án biết về tên tài khoản, số tài khoản đã mở, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản và kỳ hạn gửi tiền kinh phí bảo trì;
đ) Không lập kế hoạch bảo trì hằng năm hoặc lập kế hoạch bảo trì hằng năm không đúng quy định;
e) Không có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng nơi có nhà chung cư biết để theo dõi sau khi đã bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư.
…
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc phải kinh doanh đúng quy định với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc mở tài khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư đúng quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Buộc có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lại hội nghị nhà chung cư theo quy định với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
d) Buộc có văn bản thông báo đầy đủ thông tin về mở tài khoản gửi tiền kinh phí bảo trì theo quy định cho Sở Xây dựng với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
đ) Buộc lập kế hoạch bảo trì hằng năm đúng quy định với hành vi quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này;
e) Buộc có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng nơi có nhà chung cư biết để theo dõi sau khi đã bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư với hành vi quy định tại điểm e khoản 1 Điều này;
g) Buộc tính toán kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư đúng quy định với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
h) Buộc ghi trong hợp đồng thông tin về tài khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
i) Buộc gửi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư đúng quy định với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;
k) Buộc đóng tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định với hành vi quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;
l) Buộc công khai, minh bạch việc sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này;
m) Buộc bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định với hành vi quy định tại điểm e khoản 2 Điều này;
n) Buộc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư đủ điều kiện, năng lực theo quy định với hành vi quy định tại điểm g khoản 2 Điều này;
o) Buộc bán, cho thuê chỗ để xe ô tô trong nhà chung cư đúng quy định với hành vi quy định tại điểm h khoản 2 Điều này;
p) Buộc bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
q) Buộc quản lý, sử dụng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư đúng quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
r) Buộc tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định với hành vi quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;
s) Buộc lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì theo quy định với hành vi quy định tại điểm d khoản 3 Điều này;
t) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;
u) Buộc áp dụng cách tính diện tích căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư thuộc sở hữu riêng theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
v) Buộc đóng đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư vào tài khoản đã lập theo quy định với hành vi quy định tại điểm c khoản 4 Điều này;
x) Buộc bàn giao đầy đủ hoặc bàn giao đúng thời hạn hồ sơ nhà chung cư cho ban quản trị nhà chung cư theo quy định với hành vi quy định tại điểm d khoản 4 Điều này
y) Buộc sử dụng kinh phí bảo trì đúng quy định với hành vi quy định tại điểm đ khoản 4 Điều này.
Như vậy, hành vi kinh doanh vũ trường trong nhà chung cư là vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư kinh doanh vũ trường trong nhà chung cư sẽ bị phạt hành chính từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng và buộc phải kinh doanh đúng với quy định.
Lưu ý, theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP thì:
- Mức phạt tiền tối đa cho hành vi này là 300.000.000 đồng;
- Mức phạt tiền quy định trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Có được kinh doanh vũ trường trong nhà chung cư không? Để quản lý, sử dụng nhà chung cư thì cần đáp ứng các điều kiện gì? (Hình từ Internet)
Để quản lý sử dụng nhà chung cư thì cần đáp ứng các điều kiện gì?
Để quản lý, sử dụng nhà chung cư thì cần đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BXD như sau:
- Sử dụng đúng mục đích: Nhà chung cư phải được sử dụng theo đúng công năng, mục đích thiết kế và nội dung dự án đã được phê duyệt.
- Quản lý dựa trên thỏa thuận: Việc quản lý và sử dụng nhà chung cư dựa trên sự tự nguyện và thỏa thuận giữa các bên, nhưng không được trái với pháp luật và đạo đức xã hội.
- Đóng kinh phí: Kinh phí quản lý và vận hành chung cư phải được thống nhất giữa chủ sở hữu, người sử dụng và đơn vị quản lý, dựa theo quy định của pháp luật. Chủ sở hữu và người sử dụng phải đóng các khoản kinh phí bảo trì, quản lý và hoạt động của Ban quản trị, cũng như các khoản phí khác. Việc sử dụng kinh phí này phải công khai và minh bạch.
- Ban quản trị: Ban quản trị đại diện cho chủ sở hữu và người sử dụng để thực hiện các quyền và trách nhiệm quản lý chung cư theo quy định. Nếu không cần thiết phải thành lập Ban quản trị, các chủ sở hữu có thể tự thỏa thuận về phương án quản lý.
- Giải quyết tranh chấp: Các tranh chấp và khiếu nại liên quan đến quản lý và sử dụng chung cư sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Xử lý vi phạm: Mọi hành vi vi phạm quy định quản lý và sử dụng nhà chung cư phải được xử lý kịp thời và nghiêm túc theo pháp luật.
- Khuyến khích ứng dụng công nghệ: Khuyến khích chủ đầu tư, Ban quản trị và người sử dụng áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin trong quản lý và sử dụng nhà chung cư.
Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư có các nội dung nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 05/2024/TT-BXD về nội dung trong bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư bao gồm:
- Đối tượng áp dụng: Quy định cho chủ sở hữu, người sử dụng, người tạm trú và khách ra vào chung cư.
- Cấm thực hiện: Nêu rõ các hành vi không được phép trong quản lý và sử dụng chung cư, đồng thời quy định về vệ sinh môi trường, văn hóa ứng xử và an ninh trật tự.
- Sử dụng phần chung: Quy định về cách sử dụng các khu vực sở hữu chung trong nhà chung cư.
- Sửa chữa và xử lý sự cố: Quy định về sửa chữa hư hỏng, thay đổi thiết bị trong phần sở hữu riêng và cách xử lý khi có sự cố xảy ra.
- Phòng chống cháy nổ: Các quy định liên quan đến công tác phòng chống cháy nổ trong chung cư.
- Công khai thông tin: Quy định về việc công khai các thông tin liên quan đến việc sử dụng chung cư.
- Nghĩa vụ của chủ sở hữu: Nêu rõ các nghĩa vụ của chủ sở hữu và người sử dụng, bao gồm việc đóng kinh phí bảo trì và quản lý vận hành chung cư, cũng như các biện pháp xử lý nếu không thực hiện nghĩa vụ này.
- Quy định bổ sung: Các quy định khác có thể thay đổi tùy theo đặc điểm của từng chung cư.