Khôi phục và ổn định đời sống nhân dân sau bão số 3 và mưa lũ

Đây là một trong những nội dung được nêu tại Công điện 92/CĐ-TTg ban hành ngày 10/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Nội dung chính

    Công điện quy định các đơn vị chức năng thực hiện các biện pháp nào?

    Công điện 92/CĐ-TTg được ban hành ngày 10/9/2024 yêu cầu các Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, và nhiều địa phương khác cần đặt sự an toàn, sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên hàng đầu. Cụ thể, họ phải trực tiếp chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện các biện pháp khẩn cấp sau:

    - Tìm kiếm cứu nạn: Công tác tìm kiếm và cứu nạn phải được triển khai với tinh thần khẩn trương. Những người còn mất tích phải được tìm kiếm kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ. Người bị thương được chăm sóc, cứu chữa miễn phí, và các gia đình có người tử vong được hỗ trợ chu đáo.

    - Cứu trợ lương thực và hỗ trợ nơi ở: Các tỉnh, thành phố cần tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ dân, đặc biệt là các khu vực bị cô lập. Các gia đình mất nhà ở cần được bố trí chỗ ở tạm thời, đảm bảo không ai bị đói, rét hay không có nơi trú ẩn.

    - Thống kê thiệt hại và khắc phục hậu quả: Các địa phương phải khẩn trương rà soát, thống kê chính xác thiệt hại về sản xuất, tài sản và cơ sở hạ tầng. Báo cáo về thiệt hại cần được trình lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 12 tháng 9 năm 2024, đồng thời huy động mọi nguồn lực để khôi phục đời sống và sản xuất nhanh chóng.

    Khôi phục và ổng định đời sống nhân dân sau bão số 3 và mưa lũ (Hình từ Internet)

    Sự phối hợp liên ngành để hỗ trợ người dân được quy định ra sao?

    Theo Công điện 92/CĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ ngành và cơ quan trực thuộc Chính phủ vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao để hỗ trợ người dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng, đồng thời khôi phục các dịch vụ thiết yếu.

    Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị quân đội và lực lượng cảnh sát hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, vật phẩm cứu trợ đến các khu vực bị cô lập, thậm chí sử dụng cả máy bay trực thăng nếu cần thiết. Các lực lượng này cũng được huy động để giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

    Bộ Y tế có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ thuốc men, dịch vụ y tế và hướng dẫn xử lý nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường để ngăn chặn dịch bệnh sau bão lũ. Các cơ sở y tế ở vùng bị ảnh hưởng phải được ưu tiên cung cấp điện và đảm bảo hoạt động liên tục.

    Bộ Công Thương chỉ đạo khôi phục nhanh hệ thống điện, ưu tiên cho các cơ sở y tế và sản xuất. Đồng thời, Bộ phải đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu, kiểm soát chặt chẽ giá cả và chất lượng hàng hóa để tránh tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nhanh chóng khắc phục thiệt hại cơ sở vật chất tại các trường học, cung cấp trang thiết bị dạy học, sách vở cho học sinh và đảm bảo các em sớm trở lại trường học bình thường.

    Các biện pháp khôi phục và ổn định đời sống nhân dân như thế nào?

    Ngoài việc cứu trợ và khắc phục thiệt hại ngắn hạn, Thủ tướng Chính phủ còn chỉ đạo các bộ ngành và địa phương triển khai những biện pháp lâu dài nhằm khôi phục sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp và ổn định đời sống nhân dân.

    Ngành giao thông cần tập trung sửa chữa các tuyến đường giao thông trọng yếu phục vụ cho công tác cứu trợ và đảm bảo an toàn cho các phương tiện vận chuyển. Điều này nhằm giúp việc di chuyển hàng hóa cứu trợ và cứu hộ trở nên thuận lợi hơn.

    Ngành viễn thông được giao nhiệm vụ đảm bảo tín hiệu liên lạc cho các dịch vụ khẩn cấp và nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phải phối hợp để đảm bảo thông tin về tình hình thiên tai được thông báo rộng rãi, kịp thời và chính xác.

    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ và giãn nợ cho các doanh nghiệp, hộ dân bị thiệt hại, đồng thời tạo điều kiện vay vốn để khôi phục sản xuất kinh doanh.

    Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng từ thiên tai, đồng thời yêu cầu các công ty bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.

    Ngành nông nghiệp cần nhanh chóng triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập và khắc phục thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm trong giai đoạn cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

    Chuyên viên pháp lý Trương Thị Ngọc Duyên
    43
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ