Khi mua bán đất, có cần phải lập hợp đồng và công chứng không? Có thể dùng vàng để thanh toán khi mua bán đất không?
Nội dung chính
Có thể dùng vàng để thanh toán khi mua bán đất không?
Căn cứ quy định tại Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP về các trường hợp sử dụng vàng bị cấm như sau:
Hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng
Hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng bao gồm:
1. Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp.
2. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.
3. Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.
4. Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.
5. Hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định này.
6. Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.
7. Vi phạm các quy định khác tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Có thể thấy, Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định rõ ràng rằng, trong các giao dịch thương mại và thanh toán, các bên phải sử dụng đồng tiền pháp định, tức là tiền Việt Nam (VND), thay vì vàng hoặc các tài sản khác. Do đó, trường hợp thực hiện giao dịch mua bán đất thì phải thanh toán bằng tiền Việt Nam. Việc sử dụng vàng trong thanh toán không được chấp nhận.
Có thể dùng vàng để thanh toán khi mua bán đất không? (Hình từ internet)
Sử dụng vàng để thanh toán khi mua bán đất bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cư quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng
1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;
b) Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;
b) Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.
Do đó, hành vi sử dụng vàng để thanh toán khi mua bán đất có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền nếu tái phạm nhiều lần.
Lưu ý: Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền trên chỉ áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Khi mua bán đất, có cần phải lập hợp đồng và công chứng không?
Căn cứ theo điểm a khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
Do đó, để bảo đảm tính pháp lý và giảm thiểu rủi ro khi giao dịch, luật pháp yêu cầu rằng một số loại hợp đồng phải được công chứng hoặc chứng thực. Cụ thể, khi mua bán đất, bạn cần phải lập hợp đồng và sau đó công chứng hoặc chứng thực hợp đồng tại các tổ chức công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã. Điều này giúp đảm bảo rằng giao dịch của bạn là hợp pháp và có giá trị.