Kế hoạch bảo trì phần sở hữu chung có được hội nghị nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thông qua hay không?

Thế nào là nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu? Kế hoạch bảo trì phần sở hữu chung có được hội nghị nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thông qua hay không?

Nội dung chính

    Thế nào là nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu?

    Căn cứ tại khoản 11 Điều 3 Quy chế quản lý, sử dụng nhà ở chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 05/2024/TT-BXD quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    ...
    11. Nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu là nhà chung cư có từ hai chủ sở hữu trở lên, trong đó có phần sở hữu riêng của mỗi chủ sở hữu và có phần sở hữu chung, sử dụng chung của các chủ sở hữu.
    ...

    Ngoài ra, căn cứ tại khoản 3 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 quy định nhà chung cư như nhau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    ...
    3. Nhà chung cư là nhà ở có từ 02 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp.

    Như vậy, nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu là nhà chung cư có từ hai chủ sở hữu trở lên, trong đó có phần sở hữu riêng của mỗi chủ sở hữu và có phần sở hữu chung, sử dụng chung của các chủ sở hữu.

    Kế hoạch bảo trì phần sở hữu chung có được hội nghị nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thông qua hay không?

    Căn cứ theo điểm đ khoản 3 Điều 145 Luật Nhà ở 2023 quy định về Hội nghị nhà chung cư như sau:

    Hội nghị nhà chung cư
    ...
    3. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì Hội nghị nhà chung cư quyết định các vấn đề sau đây:
    a) Đề cử, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ban quản trị nhà chung cư; thông qua, sửa đổi, bổ sung nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư;
    b) Thông qua, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, quy chế thu, chi tài chính của Ban quản trị nhà chung cư; quyết định mức thù lao của thành viên Ban quản trị nhà chung cư và chi phí khác phục vụ hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư;
    c) Thông qua mức giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư và việc sử dụng kinh phí bảo trì; đối với nhà chung cư quy định tại khoản 4 Điều 155 của Luật này mà trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ nhà chung cư các bên không có thỏa thuận về việc phân chia tỷ lệ kinh phí bảo trì thì Hội nghị nhà chung cư xem xét, quyết định việc phân chia tỷ lệ kinh phí này;
    d) Quyết định lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư trong trường hợp không còn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư hoặc có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhưng không tham gia quản lý vận hành hoặc tham gia quản lý vận hành nhưng không đáp ứng được các yêu cầu đã thỏa thuận trong hợp đồng cung cấp dịch vụ ký với Ban quản trị nhà chung cư;
    đ) Thông qua kế hoạch bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư;
    e) Thông qua báo cáo về hoạt động quản lý vận hành, hoạt động bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư;
    g) Nội dung khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư.
    ...

    Như vậy, đối với trường hợp nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì Hội nghị nhà chung cư sẽ quyết định vấn đề thông qua kế hoạch bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

    Kế hoạch bảo trì phần sở hữu chung có được hội nghị nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thông qua hay không?(Hình ảnh Internet)

    Ban quản trị nhà chung cư có những quyền gì đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu?

    Căn cứ theo Điều 147 Luật Nhà ở 2023 quy định đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì ban quản trị nhà chung cư có quyền sau đây:

    - Yêu cầu chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì sau khi Ban quản trị nhà chung cư được thành lập và có văn bản đề nghị bàn giao; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì;

    - Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định của Luật này và quyết định của Hội nghị nhà chung cư;

    - Đề nghị Hội nghị nhà chung cư thông qua mức giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư;

    - Được hưởng thù lao trách nhiệm và chi phí khác theo quyết định của Hội nghị nhà chung cư;

    - Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhận Ban quản trị nhà chung cư;

    - Yêu cầu chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở bàn giao hồ sơ nhà chung cư; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế bàn giao hồ sơ nhà chung cư;

    - Thực hiện công việc khác do Hội nghị nhà chung cư giao mà không trái quy định của pháp luật.

    30