Hủy hoại đất trồng lúa xử lý hành chính như thế nào?

Chuyên viên pháp lý Lê Bá Phong
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Hủy hoại đất trồng lúa xử lý hành chính như thế nào? Gây ô nhiễm đất trồng lúa mà không xử lý, cải tạo xử lý hành chính như thế nào?

Nội dung chính

    Hủy hoại đất trồng lúa là gì?

    Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất trồng lúa là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp, được sử dụng với mục đích trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính. Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại, trong đó đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên.

    Bên cạnh đó ại khoản 27 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

    Như vậy, có thể hiểu hành vi hủy hoại đất trồng lúa là hành vi làm biến dạng địa hình, suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất, dẫn đến mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất trồng lúa theo mục đích đã được xác định.

    Hủy hoại đất trồng lúa xử lý hành chính như thế nào?

    Hủy hoại đất trồng lúa xử lý hành chính như thế nào?(Hình Internet)

    Xử lý hành chính đối với hành vi hủy hoại đất trồng lúa như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 11 Luật Đất đai 2024 thì hành vi hủy hoại đất là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Vì vậy, khi xảy ra hành vi hủy hoại đất trồng lúa thì người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính đối với hành vi này.

    Theo đó, căn cứ theo khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 14 Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì hành vi hủy hoại đất được chia làm ba nhóm với mức xử phạt hành chính như sau:

    (1) Hành vi làm suy giảm chất lượng đất mà làm mất hoặc giảm độ dày tầng đất đang canh tác lúa; làm thay đổi lớp mặt của đất trồng lúa bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn cát, sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây bạc màu, gây xói mòn, rửa trôi đất trồng lúa mà dẫn đến làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất thì người vi phạm bị phạt tiền như sau:

    - Đối với diện tích đất dưới 500m2 thì phạt tiền từ 2 triệu đến 5 triệu đồng.

    - Đối với diện tích đất từ 500m2 đến dưới 1000m2 thì phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.

    - Đối với diện tích đất từ 1000m2 đến dưới 5000m2 thì phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng.

    - Đối với diện tích đất từ 5000m2 đến dưới 1ha thì phạt tiền từ 30 triệu đến 50 triệu đồng.

    - Đối với diện tích đất trên 1ha thì phạt tiền từ 50 triệu đến 100 triệu đồng.

    (2) Hành vi làm biến dạng địa hình mà san lấp nâng cao, hạ thấp bề mặt của đất trồng lúa làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích trồng lúa thì người vi phạm bị phạt tiền như sau: 

    - Đối với diện tích đất dưới 500m2 thì phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.

    - Đối với diện tích đất từ 500m2 đến dưới 1000m2 thì phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

    - Đối với diện tích đất từ 1000m2 đến dưới 5000m2 thì phạt tiền từ 20 triệu đến 50 triệu đồng.

    - Đối với diện tích đất từ 5000m2 đến dưới 1ha thì phạt tiền từ 50 triệu đến 100 triệu đồng.

    - Đối với diện tích đất trên 1ha thì phạt tiền từ 100 triệu đến 200 triệu đồng.

    Lưu ý: Việc xử phạt không áp dụng trong trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa, cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê, được công nhận quyền sử dụng đất hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận

    (3) Hành vi gây ô nhiễm đất trồng lúa thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

    Ngoài ra, theo khoản 4 và khoản 5 Điều 14 Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì người có hành vi hủy hoại đất phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trong trường hợp việc khôi phục không có tính khả thi để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền tương ứng đối với hành vi hủy hoại đất trồng lúa nhưng tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

    Đồng thời, căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì mức xử phạt nêu trên được áp dụng đối với cá nhân, đối với mức phạt đối với tổ chức là bằng 2 lần mức phạt của cá nhân.

    Gây ô nhiễm đất trồng lúa mà không xử lý, cải tạo xử lý hành chính như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 12 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì ô nhiễm môi trường là sự biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên. 

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 15 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ môi trường đất; xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do mình gây ra.

    Theo đó, căn cứ tại khoản 3 và khoản 4 Điều 37 Nghị định 45/2022/NĐ-CP thì hành vi không thực hiện xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm trong trường hợp gây ra ô nhiễm môi trường đất sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đến 100 triệu đồng. Đồng thời bị buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

    Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền nêu trên (khoản 2 Điều 6 Nghị định 45/2022/NĐ-CP)

    Như vậy, khi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất trồng lúa gây ô nhiễm môi trường đất trồng lúa do mình quản lý, sử dụng thì phải có trách nhiệm xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất tại khu vực đất trồng lúa đó, nếu không thực hiện việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất tại khu vực đất trồng lúa bị ô nhiễm thì bị xử phạt hành chính như trên.

    92
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ