Ký hiệu đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại là gì?

Chuyên viên pháp lý: Đặng Trần Trà My
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Ký hiệu đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại là gì? Nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa như thế nào?

Nội dung chính

Ký hiệu đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại là gì?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 112/2024/NĐ-CP có quy định về đất trồng lúa như sau:

Đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính, đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại.

- Đất chuyên trồng lúa là đất trồng hai vụ lúa nước trở lên trong năm;

- Đất trồng lúa còn lại là đất trồng một vụ lúa nước trong năm và đất trồng lúa nương

Theo đó, căn cứ theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 08/2024/TT-BTNMT có quy định cụ thể về mã ký hiệu đất, mã ký hiệu đối tượng sử dụng đất, mã ký hiệu đối tượng được giao đất như sau:

STT

Loại đất

I

Nhóm đất nông nghiệp

NNP

1

Đất trồng cây hằng năm

CHN

1.1

Đất trồng lúa

LUA

1.1.1

Đất chuyên trồng lúa

LUC

1.1.2

Đất trồng lúa còn lại

LUK

1.2

Đất trồng cây hằng năm khác

HNK

2

Đất trồng cây lâu năm

CLN

3

Đất lâm nghiệp

LNP

3.1

Đất rừng đặc dụng

RDD

3.2

Đất rừng phòng hộ

RPH

3.3

Đất rừng sản xuất

RSX

 

Trong đó: Đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên

RSN

4

Đất nuôi trồng thủy sản

NTS

...

...

...

Như vậy, đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa thuộc nhóm đất nông nghiệp có ký hiệu đất như sau: 

- Đất chuyên trồng lúa có ký hiệu là LUC

- Đất trồng lúa còn lại có ký hiệu là LUK.

Ký hiệu đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại là gì?

Ký hiệu đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại là gì? (Hình ảnh từ Internet)

Nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa như thế nào?

Căn cứ theo tại Điều 6 Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa như sau:

Điều 6. Quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa
1. Nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa
a) Phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Trồng trọt năm 2018;
b) Chỉ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa sang cây trồng lâu năm đối với đất trồng lúa còn lại;
c) Không được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao;
d) Phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa do cấp có thẩm quyền ban hành;
đ) Không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi, công trình đê điều, công trình phục vụ trực tiếp sản xuất lúa;
e) Không làm ảnh hưởng đến việc canh tác đối với diện tích đất trồng lúa liền kề.
2. Việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản thì được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120 cen-ti-mét so với mặt ruộng.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định loại cây trồng lâu năm được chuyển đổi, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
4. Đất trồng lúa sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy định tại Nghị định này được thống kê là đất trồng lúa.

 

Như vậy, việc chuyển đổi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Phù hợp với quy định sau:

+ Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu;

+ Hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi;

+ Bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương;

+ Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại.

- Chỉ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa sang cây trồng lâu năm đối với đất trồng lúa còn lại;

- Không được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao;

- Phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa do cấp có thẩm quyền ban hành;

- Không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi, công trình đê điều, công trình phục vụ trực tiếp sản xuất lúa;

- Không làm ảnh hưởng đến việc canh tác đối với diện tích đất trồng lúa liền kề.

Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất hiện nay được quy định ra sao?

Căn cứ theo Điều 31 Luật Đất đai 2024 quy định về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất như sau:

- Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; thực hiện đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện biện pháp bảo vệ đất; xử lý, cải tạo và phục hồi đất đối với khu vực đất bị ô nhiễm, thoái hóa do mình gây ra.

- Tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến tài sản và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.

- Tuân thủ quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất.

- Bàn giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

saved-content
unsaved-content
24