Huy động vốn để phát triển nhà ở thương mại thông qua góp vốn của cá nhân cần đáp ứng các điều kiện nào?
Nội dung chính
Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có được huy động vốn góp từ cá nhân không?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 thì nhà ở thương mại là nhà ở được xây dựng để bán, cho thuê mua, cho thuê theo cơ chế thị trường.
Theo khoản 14 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở là tổ chức được lựa chọn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 38 Luật Nhà ở 2023 thì chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có quyền thực hiện huy động vốn theo quy định của pháp luật.
Và theo điểm b khoản 1 Điều 115 Luật Nhà ở 2023 thì vốn để phát triển nhà ở thương mại có thể thông qua huy động vốn góp cá nhân.
Vì vậy, khi đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại thì chủ đầu tư dự án có quyền huy động vốn từ việc góp vốn của cá nhân để thực hiện dự án đầu tư.
Huy động vốn để phát triển nhà ở thương mại thông qua góp vốn của cá nhân cần đáp ứng các điều kiện nào?(Hình Internet)
Điều kiện cụ thể về việc huy động vốn góp cá nhân để xây dựng nhà ở thương mại là gì?
Căn cứ theo Điều 36 Luật Nhà ở 2023 và phân tích theo khoản 2 Điều 38 và điểm b khoản 1 Điều 115 Luật Nhà ở 2023 thì chủ đầu tư dự án có quyền huy động vốn thông qua góp vốn cá nhân để thực hiện xây dựng nhà ở thương mại.
Theo đó, căn cứ theo Điều 43 Nghị định 95/2024/NĐ-CP, việc huy động vốn từ việc góp vốn của cá nhân để xây dựng nhà ở thương mại phải đáp ứng các điều kiện như sau:
- Thuộc một trong các hình thức phát triển nhà ở theo dự án sau:
+ Dự án đầu tư xây dựng 01 công trình nhà ở độc lập hoặc 01 cụm công trình nhà ở;
+ Dự án đầu tư xây dựng 01 công trình nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp hoặc 01 cụm công trình nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp;
+ Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở đồng bộ việc xây dựng nhà ở với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình khác phục vụ nhu cầu ở;
+ Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu nhà ở để chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở;
+ Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có nhà ở;
+ Dự án sử dụng đất kết hợp đa mục đích mà có dành diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở.
- Dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền hoặc có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Chủ đầu tư dự án đã có văn bản thông báo đủ điều kiện huy động vốn của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có dự án. Chủ đầu tư phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, bao gồm văn bản đề nghị (nêu rõ các thông tin về tên chủ đầu tư, vị trí dự án, tiến độ thực hiện dự án, hình thức và mức vốn huy động, thời hạn huy động vốn) kèm theo quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến đến cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có dự án để được thông báo đủ điều kiện huy động vốn.
- Trường hợp chủ đầu tư dự án đã thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án hoặc đã thế chấp nhà ở trong dự án và đã đăng ký thế chấp theo quy định mà huy động vốn để thực hiện đầu tư xây dựng phần dự án hoặc nhà ở đã thế chấp thì phải thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp hoặc rút bớt tài sản thế chấp trước khi ký kết hợp đồng huy động vốn.
Việc sử dụng vốn góp của cá nhân để xây dựng nhà ở thương mại phải tuân thủ những nguyên tắc nào?
Theo khoản 3 Điều 116 Luật Nhà ở 2023, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại sử dụng vốn góp của cá nhân để xây dựng nhà ở phải tuân thủ những nguyên tắc sau đây:
- Chủ đầu tư có trách nhiệm bảo đảm công khai, minh bạch và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân có vốn được huy động;
- Chủ đầu tư phải sử dụng vào mục đích để phát triển nhà ở và thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, không được sử dụng vốn đã huy động cho dự án khác hoặc mục đích khác;
- Việc bố trí và sử dụng nguồn vốn để phát triển nhà ở, đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt.