Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là gì? Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất có phải đăng ký không?
Nội dung chính
Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là gì?
Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất được hiểu là hợp đồng giữa bên thế chấp (bên sử dụng đất) và bên nhận thế chấp mà theo đó bên thế chấp sẽ dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ với bên nhận thế chấp. Bên thế chấp vẫn được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn thế chấp.
Theo quy định tại Điều 319 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất có phải đăng ký không?
Theo quy định tại Điều 319 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Đối với trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất thì tại Điều 133 Luật Đất đai 2024 quy định:
Đăng ký biến động
1. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thay đổi sau đây:
a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng; chuyển nhượng dự án có sử dụng đất;
...
p) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện quyền thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
….
3. Các trường hợp đăng ký biến động quy định tại các điểm a, b, i, k, l, m và q khoản 1 Điều này thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải đăng ký biến động tại cơ quan có thẩm quyền; trường hợp thi hành án thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày bàn giao tài sản thi hành án, tài sản bán đấu giá; trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, khi thế chấp quyền sử dụng đất phải đăng ký biến động tại cơ quan có thẩm quyền.
Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là gì? Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất có phải đăng ký không? (Hình ảnh từ internet)
Những trường hợp nào cần phải đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 25 Nghị định 99/2022/NĐ-CP thì khi thực hiện những giao dịch sau đây thì buộc các bên phải đăng ký biện pháp bảo đảm đối với quyền sử dụng đất trong thời hạn thế chấp tại văn phòng đăng ký đất đai:
- Thế chấp quyền sử dụng đất;
- Thế chấp nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận;
- Thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình không phải là nhà ở, dự án đầu tư nông nghiệp, dự án phát triển rừng, dự án đầu tư khác có sử dụng đất đồng thời với quyền sử dụng đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê theo hình thức trả tiền một lần cho cả thời gian thuê;
- Đăng ký thay đổi, xóa đăng ký đối với việc thế chấp, quyền sử dụng đất, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình không phải là nhà ở.
Như vậy, các giao dịch liên quan đến thế chấp quyền sử dụng đất, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và các dự án đầu tư sử dụng đất đều phải thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm tại văn phòng đăng ký đất đai. Việc đăng ký này là thủ tục bắt buộc nhằm đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai.